Một cái nhìn về nhân bản Trong mục vụ truyền thông…P2

Dẫn vào truyền thông Công giáo

Khi nói về hiện tình của truyền thông Công giáo, người ta không thể không nói đến thế nào là truyền thông nói chung, và nói riêng thế nào truyền thông Công giáo. Bởi lẽ, tùy vào bối cảnh và góc độ nghiên cứu, người ta có thể đưa ra rất nhiều những định nghĩa khác nhau về truyền thông, và về mục vụ truyền thông.[1]

Vâng, “Hạnh phúc đời đời con người mong ước có / Sẽ trở thành khó khi không biết Tin Mừng / Những ai đã từng ao ước đi rao giảng / Lời Chúa rõ ràng với phương tiện truyền thông / Khi màn ảnh rộng lúc thì màn ảnh nhỏ / Khi quyển sách to lúc tiếng hát lời ca / Khi truyền tin xa lúc nói chuyện trực tiếp / Trùng trùng điệp điệp những cách thế thông truyền / Lạy Chúa uy quyền Chúa truyền thông mặc khải / Sự sống ngày mai Chúa thông truyền hôm nay / Tình Chúa cao dày con nguyện sẽ công bố / Dùng kỹ thuật số trong thời đại chúng con”.[2]

Vâng, “dùng kỹ thuật số” trong thời đại chúng ta phải kể là thiết yếu không chỉ trong lãnh vực công nghệ hiện đại, lãnh vực khoa học tự nhiên mà còn ngay trong lãnh vực khoa học xã hội, ngay trong thần học, thần học về truyền thông.

Trong đó, luận lý sắc bén, lô-gíc, kỹ năng viết nhanh và tốt luôn luôn là một phần rất quan trọng của truyền thông kịp thời, hữu hiệu. Luận lý tốt cần kỹ năng viết tốt để thành bài luận tốt; bài luận tốt (cùng với các video clips hấp dẫn) có thể cho phép chúng ta dễ dàng nối kết thông điệp của mình cách trong sáng, hiệu quả, thu hút, hấp dẫn và bền bỉ hơn… đối với một lượng độc giả có thể lớn hơn bội bội phần, nghĩa là rất nhiều (so với những cuộc trò chuyện thuần túy, sơ sài… không có bút tích hay văn bản nghiêm túc, có giá trị đích thực nào được lưu lại).[3]

Truyền thông, truyền thông Công giáo

Theo ý kiến khá độc đáo và hết sức khái quát của tác giả bài viết về truyền thông: Communication Theology for Pastoral Communication as a New Approach (tạm dịch: Thần học truyền thông đối với truyền thông mục vụ như một tiếp cận mới) thì “Truyền thông là một quá trình có tính năng động, đối thoại, và luôn tiếp diễn. Trong quá trình này con người chia sẻ với nhau những giá trị, ý nghĩa của đời sống; họ thực hiện việc này bằng cách sử dụng những biểu tượng, những dấu hiệu, những phương tiện và những phương cách phù hợp với bối cảnh xã hội và văn hóa mà họ đang sống”.[4]

Vâng, trong những chia sẻ với nhau về giá trị và ý nghĩa của đời sống, những giá trị của Tin Mừng phải được xem là quan trọng nhất. Thật vậy, “Đông tây nam bắc khắp tứ phương thiên hạ / Kẻ quen người lạ đến dự tiệc Nước Trời / Rửa tội cho đời ta xin ơn khiêm tốn / Không để lẫn lộn những đạo lý luân thường / Chớ để vấn vương… vướng víu những ngộ nhận / Loan báo cẩn thận những giá trị Tin Mừng”.[5] Thêm vào đó, cũng nên khẳng định rằng những hoạt động truyền thông xã hội ngày nay… ngay cả khi chỉ muốn hàm chứa một thực tiễn là những hoạt động thuộc công cuộc truyền thông “trong” xã hội loài người và “của” xã hội loài người thì cũng không vì thế lại không có những tương tác với, và những ảnh hưởng từ… chính Tin Mừng.[6]

Truyền thông nói chung, và truyền thông Công giáo nói riêng không vì thế mà hoàn toàn riêng. Nghĩa là, nếu truyền thông là một quá trình, một tiến trình… thì diễn trình truyền thông ấy vì có tính năng động và thực tế sẽ là luôn luôn tiếp diễn (trong quãng thời gian nào đó của quá khứ, của hiện tại, của tương lai). Hơn nữa, truyền thông có thể là độc thoại, đối thoại, hội thoại… miễn sao có thể chia sẻ với nhau những giá trị của đời sống (và rất đặc biệt, nghĩa là thiết yếu, của chính Tin Mừng).

Từ đó, ta cũng có thể nói truyền thông Công giáo, mục vụ truyền thông là một quá trình, một tiến trình mục vụ để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Truyền thông ấy cũng phải có tính năng động, phải luôn tiếp diễn (trong quãng thời gian nào đó của quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc tương lai, hoặc cả ba). Vâng, “Ông là Đấng Thánh… Đấng Thánh của Thiên Chúa / Mạnh được yếu thua… ông mạnh nên tôi thua / Ông cũng là Vua… là Chúa Toàn Năng chứ? / Tương lai quá khứ… ông tạo dựng vận hành? / Định phận rành rành… nơi thường hằng hiện tại / Thực chất khoáng đại… trên toàn thể vũ hoàn / Vũ trụ đồng đoàn… hãy tuyên xưng Thượng Đế / Giàu nghèo bất kể… Tạo Hóa là Ông Trời”.[7]

Định hướng “tham gia…” và “quy Mục Tử…”

Mà thật vậy, Tạo Hóa, hay Thượng Đế, hay Ông Trời… là Đấng cai quản toàn thể vũ trụ, Đấng quan phòng mọi sự, Đấng thông truyền mệnh lệnh của chính Ngài theo cách độc đáo của riêng Ngài. Vì thế, theo Giáo hội, những hình thức truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, mạng xã hội, Youtube, Viber, Zalo… vốn chỉ là một phần của truyền thông xã hội thì lại càng chỉ là “một trong muôn phần…” trong các cách thức mà Thiên Chúa có thể sử dụng để thông truyền, để mặc khải những giá trị tự nhiên và siêu nhiên.[8] Con người cần sự kết nối với Ngài, cần quy hướng về Ngài.

Theo đó, sự “kết nối” chính là thông truyền, là thông hiệp, là hiệp thông! Sự “kết nối” trong Đức Ki-tô chính là truyền thông Công giáo. Vâng, “Đúng mười bốn đời… / Áp-ra-ham ơi… đến Đa-vít / Kết nối khắng khít… / nguyện một lời xin… chẵn một thời / Lại mười bốn đời… / Ba-by-lon hỡi… từ Đa-vít / Thách đố mù mịt… / ngoại tộc một ít… hoàng tộc nhiều / Song chẳng bao nhiêu… / chỉ cần một điều… trong mười bốn / Vàng thau chẳng lộn… / Chúa Tể càn khôn… nay giáng trần…”.[9]

Nói khác đi, với mô hình có định hướng cộng tác, “đồng trách nhiệm” (co-responsible), “tham gia” (participative) và “quy Mục Tử…” (Pastor-centered), bất kỳ biến cố nào, sự kiện nào, tình huống nào cũng được trù định là nằm trong truyền thông tính của Thượng Đế… và cần quy hướng về Vị Mục Tử Nhân Lành là Đức Ki-tô.[10] Vậy nếu truyền thông xã hội có nhắm đến bất cứ hình thức tương tác mang tính chia sẻ nào để trao đổi giữa con người với nhau, thì truyền thông Công giáo hãy mở lòng, rèn luyện bản thân, hãy sẵn sàng để có thể hội nhập và nói như sau… “đó sẽ là những cơ hội kết nối để hội nhập, hiệp thông… trong đạo ngoài đời (bởi thực ra, đó còn là cơ hội của những điều chỉnh một cách khiêm tốn… nhưng cần thiết theo những chuẩn mực của Tin Mừng). Thật vậy, hội nhập và “hiệp thông” để chia sẻ, để rao giảng Tin Mừng Đức Ki-tô Giê-su.

Vâng, không thể thiếu, không bao giờ được phép thiếu, bởi nhân loại luôn luôn cần, hoặc minh nhiên hoặc ám tàng, phải có Đức Ki-tô Giê-su, một vị Chúa-Người trong mọi mô hình tổ chức. Chẳng hạn, như vừa nhắc đến ở trên, mô hình tham gia quy mục tử (the participative pastor-centered model), mô hình đồng trách nhiệm (model of co-responsibility) là những mô hình trong tinh thần đồng trách nhiệm vừa đề cao sự tham gia của giáo dân vào các công việc mục vụ trong Giáo hội vừa luôn luôn quy về Vị Mục Tử. Vị Mục Tử chủ yếu của mô hình này chính là Mục tử Giê-su Ki-tô, vị Mục Tử Nhân Lành Duy Nhất, để ai nấy có thể hân hoan sinh sống và hoạt động mục vụ dưới ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội. Truyền thông Công giáo không thể thiếu định hướng “tham gia đồng trách nhiệm” và “quy Mục Tử Giê-su Ki-tô”.

Những không gian kết nối, truyền thông…

Theo định hướng nói trên, những không gian kết nối, những tương quan nhân thế trong Đức Ki-tô sẽ luôn hàm chứa sự ưu tiên đón nhận người khác trong mọi cấu trúc truyền thông, xây dựng, phục vụ. Tông huấn Evangelii Gaudium có đoạn viết về “những không gian kết nối”, thế cũng có nghĩa là những không gian của các mối tương quan, những không gian truyền thông:

“Thật tuyệt vời biết bao khi những thành phố này vượt thắng được sự thiếu tin tưởng gây tê liệt, kết hợp với những người khác và khiến sự kết hợp này trở thành một yếu tố mới cho sự phát triển! Thật hấp dẫn biết bao các thành phố, ngay trong bản thiết kế kiến trúc đã có đầy những không gian kết nối, tương quan và ưu tiên tiếp nhận người khác!”[11]

Vâng, truyền thông xã hội chú trọng đến sự tương tác của con người mà qua đó con người biểu lộ chính mình và chia sẻ những giá trị sống trong bối cảnh văn hóa xã hội mình đang sống. Truyền thông Công giáo với định hướng cộng tác “đồng trách nhiệm”, “tham gia” và “quy Mục Tử Giê-su Ki-tô” sẽ luôn quy hướng về chính Đức Ki-tô Giê-su để hoạt động nhân thế trong tinh thần phục vụ. Đó chắc chắn phải là “hiệp thông-tham gia-sứ vụ”.[12]

Thật vậy, “Mừng Chúa làm người… bình an cho nhân thế / Chúa Trời nhập thể… phác mầu nhiệm Giáng Sinh / Làm rạng hiển vinh… Chúa hiển linh hiển trị / Người người hoan hỉ… Ngôi Lời mặc xác phàm / Ngày tháng lam làm… hành trình sáng dương thế / Chúa lập Thánh Thể… bí tích vì yêu thương / Sinh hệ siêu thường… sinh thời tối thượng đẳng / Ra trận chiến thắng… thánh giá mộc tung hoành / Tình nghĩa vi hành… trục tung vươn Thượng Đế / Chúa là Chúa Tể… yêu nhân thế hiệp hành / Bao la trục hoành… kéo dài tới vô cực / La bàn công thức… bác ái thật mênh mông, bác ái ấy truyền thông”.[13]

Gợi ý thảo luận

  1. Theo bạn, khi Tài liệu hướng dẫn việc ứng dụng sắc lệnh Inter Mirifica khẳng định rằng: “Sự hợp nhất và tiến bộ của con người sống trong xã hội là mục đính chính của truyền thông xã hội và của tất cả những phương tiện nó sử dụng…”[14] thì thực ra Hội Thánh muốn khẳng định gì về truyền thông Công giáo? Hãy cụ thể nội dung bằng một vài thí dụ.
  2. Bạn có những hoạt động nào về truyền thông mà định hướng thật rõ ràng là cộng tác “đồng trách nhiệm”, “tham gia” và “quy Mục Tử Giê-su Ki-tô”? Hãy giải thích. Bạn định sẽ thực hiện thêm những gì trong tương lai cho những công trình này? Có khả thi không?
  3. Có phải những kênh truyền thông nói chung, những kênh truyền thông Công giáo nói riêng, mặc dù được xác định… là để tiếp cận những cá nhân, nhưng cũng động chạm đến toàn bộ xã hội? Và ngược lại, dù được xác định… là để tiếp cận xã hội cách tổng quát, thì truyền thông xã hội – cũng tùy vào những tương tác thực tiễn – luôn động chạm “một cách riêng tư” đến từng cá nhân? Thực tế này nhắc chúng ta về những giá trị nào của cuộc sống? Làm sao để quân bình các ứng dụng tích cực của truyền thông và những ảnh hưởng thái quá của truyền thông?
  4. Thế còn khi khẳng định truyền thông nói chung, truyền thông Công giáo hay mục vụ truyền thông nói riêng, cũng hoàn toàn có thể là độc thoại, đối thoại, hội thoại… miễn sao hoạt động truyền thông đó có thể chia sẻ được với nhau những giá trị phong phú và rất đa dạng của cuộc sống? Có phải dĩ nhiên, truyền thông Công giáo hay mục vụ truyền thông phải có định hướng rất rõ ràng là những giá trị phong phú và rất đa dạng của đời sống Tin-Cậy-Mến, của chính Tin Mừng Đức Ki-tô Giê-su.
  5. Ngoài ra, nếu có ai đó nêu một loạt các vấn đề như sau đây thì bạn sẽ đối thoại, sẽ trả lời tổng quát (và chi tiết) như thế nào: (1) Xin cho biết quan điểm của Giáo hội về truyền thông xã hội… (2) Bạn nhận định như thế nào về tình hình truyền thông Công giáo Việt Nam hiện nay? Đâu là những điểm tích cực và hạn chế mà truyền thông Công giáo đang gặp phải? (3) Hiện nay bạn có ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giáo xứ không? Nếu có thì ở những khía cạnh nào và mức độ ra sao? Nếu không thì tại sao? (4) Các hội đồng, hội đoàn trong giáo xứ nơi bạn sinh sống có ứng dụng mạng xã hội vào việc thông tin và sinh hoạt không? Nếu có thì ở những khía cạnh nào và mức độ ra sao? Nếu không thì tại sao? (5) Bây giờ có rất nhiều kênh/trang tin Công giáo đang hoạt động. Theo bạn, điều này có ảnh hưởng như thế nào tới đời sống đạo của người tín hữu? (6) Theo bạn, truyền thông Công giáo cần cải thiện điều gì để có thể thực hiện tốt sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình?[15]

28-10-2023, Minh Triết CD

MỘT CÁI NHÌN VỀ NHÂN BẢN

TRONG MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG…

ĐỂ THI HÀNH SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG 2

Dẫn vào truyền thông Công giáo

Truyền thông, truyền thông Công giáo

Định hướng “tham gia” và “quy Mục Tử…”

Những không gian kết nối, truyền thông…

Gợi ý thảo luận

28-10-2023, Minh Triết CD

 

[1] X. Stephen W. Littlejohn, A. Foss. Karen, Theories of Human Communication, (Belmont, CA: Thomson/Wads-worth 9th Ed. 2008), 3-7.

[2] BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau 1, T 79, số 72-4.

[3] X. “Writing skills are an important part of communica-tion. Good writing skills allow you to communicate your message with clarity and ease to a far larger audience than through face-to-face or telephone conversations.” (http://-www.skillsyouneed.com/writing-skills.html)

[4] X. Anh Vu Ta, “Communication Theology for Pastoral communication as a New Approach”, Asian Horizons: Dharmaram Journal of Theology (Dharmaram Vidya Kshetram: Bangalore, India, Vol. 5, No. 3, September, 2011), 432.

[5] BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau 2, T1, số 35-6.

[6] Franz-Josef, Eilers, Communicating Church: Social Communication Documents: An Introduction (Manila: Logos [Divine Word] Publications, Inc., 2011), 136-137.

[7] BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau 2, T1, số 45-6.

[8] Truyền thông xã hội (social communication) là một khái niệm sử dụng lần đầu tiên trong văn kiện Inter Mirifica cùng với những khái niệm khác như “truyền thông đại chúng” (mass media), “phương thức truyền thanh, truyền hình (audio-visual means)… (x. Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Inter Mirifica, 1963).

[9] BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau 1, T 87, số 17-9.

[10] Ta, A Training Program…, 89.

[11] Tông huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 210: AAS 105 (2013), 1107.

[12] X. Thượng Hội đồng Giám mục XVI, “Tài liệu chuẩn bị” (Preparatory Document) trong Hướng đến một Hội Thánh Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ (For a Synodal Church: Communion, Participation, and Mission) (Vatican: Văn phòng Tổng Thư ký THĐGM, 2021).

[13] BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau 2, T4, số 90.

[14] Hội đồng Cố vấn (về truyền thông xã hội), “Communio et Progressio” trong Tài liệu hướng dẫn việc ứng dụng sắc lệnh Inter Mirifica, 1971, 1.

[15] X. Trung Thu, Thực trạng tiếp nhận thông tin của cộng đồng Công giáo trên mạng xã hội tại TP.HCM, 2023.

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X