MỘT CÁI NHÌN VỀ “NHÂN GIÁO DƯỠNG” TRONG NHÂN TRÍ, NHÂN CHÍ, NHÂN BẢN…


Dẫn vào

Nhận lời mời của vị chủ tịch VietnamMarcom, chủ tịch Hội Marketing Việt Nam,1 để có thể tích cực đóng góp một phần nhỏ bé nào đó vào cuộc tọa đàm, phát biểu, và đồng hành tiếp sức cùng “Nhân Giáo Dưỡng” tổ chức vào ngày 10 tháng 10 năm 2023 tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh,2 chúng tôi đã biên soạn một bài viết ngắn “Một cái nhìn về nhân giáo dưỡng trong nhân trí, nhân chí, nhân bản”.3 Theo đó, bài viết không quên tôn chỉ và mục đích của “Nhân Giáo Dưỡng” đã được khẳng định với tinh thần hết sức cầu thị.

Con người là vốn quý nhất của gia đình, xã hội, quốc gia… nhân bản hóa những giá trị tốt đẹp, tác động và chi phối nội lực xã hội. Nghiên cứu cho thấy: nếu mỗi Nhân, dân tộc có một nhân sinh quan đúng đắn, một nền văn hóa hướng thượng thì dù trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất vẫn có thể phấn đấu trở thành một dân tộc nhân văn và giàu mạnh.4

“Nhân giáo dưỡng” trong nhân bản

Cách đây không lâu, tác giả bài “Nhân trí, nhân chí trong đời sống nhân bản…”5 đã trình bày cho người xem và nghe một cái nhìn khá chi tiết về “nhân trí”,6 “nhân chí”,7 và rồi… tổng hợp thành “nhân bản”.8 Theo đó, nhân bản vẫn được hiểu là những vấn đề căn bản cần có, phải có… để người là người – với nhân trí và nhân chí – là những vấn đề nền tảng giúp con người được làm người thực sự trong đời. 

Thế còn “nhân giáo dưỡng” (人教培) hay có thể nói dễ hiểu hơn, quen tai hơn là “nhân văn giáo dục” (人文教育) mà chúng ta sẽ đề cập đến trong bài viết này thì sao; thực tại này có mối liên quan gì với nhân trí, nhân chí, nhân bản? Vâng, chính ngay trong bối cảnh “nhân văn giáo dục”, chúng ta hãy khẳng định… vì nhân bản tập trung vào cái cội gốc của con người, tập trung vào cái bản chất làm nên sự khác biệt giữa con người với mọi sinh vật khác… thì rõ ràng “nhân giáo dưỡng”9 và nhân bản chắc chắn phải có liên quan mật thiết với nhau.10 

Trong đó, nhân trí và nhân chí là những yếu tố phải có… để người là người, khác với các động vật khác, nên nhân trí và nhân chí cũng sắm vai trò của những mối liên quan thiết yếu. Chẳng vậy mà “nhân bản” được sử dụng trong ca khúc “Tình yêu lớn” của Bằng Hữu và Nhóm Bạn đã không thể không nhắc đến thế nào là nhân bản… với các mối tương liên thể hiện trong nhân nghĩa, nghĩa tình, tình thân, tình thân ái, tương thân tương ái. Vâng, là một cuộc sống nghĩa tình: “PK 3: Đời nhân nghĩa… thắm tình nhân ái / Đời nhân nghĩa… thắm tình thân thương / Đời nhân nghĩa… thấm nhuần nhân bản / Đời nhân nghĩa… thắm tình yêu thương. PK 4: Càng nhân nghĩa… nghĩa tình càng thắm / Càng nhân nghĩa… nghĩa tình tăng lên / Càng nhân nghĩa… nghĩa tình càng cao cả / Và vì thế… nghĩa tình bao chất ngất… nghĩa tình thật thanh cao”.11

Với nhân trí, nhân chí trong “nhân giáo dưỡng”

Nếu nhân trí có thể được coi là khả năng suy nghĩ, luận giải các vấn đề và phân tích thông tin một cách lô-gíc, góp phần làm hình thành sự thông minh, giúp phát triển trí tuệ con người, thì “nhân giáo dưỡng” có thể được xem là một trong những định hướng giúp rèn luyện nhân trí như: học hành, nghiên cứu, đọc sách, du lịch… và học hỏi từ những người có lập luận lô-gíc, biết suy nghĩ thông minh.12 

Và nếu nhân chí được coi là ý chí, là ước muốn tự do, suy nghĩ độc lập, luôn hướng thiện… và là động lực tạo nên phẩm chất đạo đức của con người… thì “nhân giáo dưỡng” có thể được xem là tất cả những phương cách giúp rèn luyện ý chí lành mạnh, có khả năng dễ dàng cảm thông, mau mắn đồng cảm với những suy nghĩ, tình cảm chân thành của người khác. 

Thật vậy, “nhân giáo dưỡng” giúp nhân trí, nhân chí phát triển, biểu hiện ra bên ngoài cách tốt đẹp hơn: nào là sự minh mẫn, lòng nhân từ, tinh thần tự trọng… (đặc biệt là tự trọng bằng cách biết tôn trọng người khác). Vâng, nếu người có nhân trí luôn tỏ ra yêu thích sự khám phá chân lý, và có nhân chí luôn hướng đến sự tự do thì “nhân giáo dưỡng” chính là một thực thể định hướng giáo dục… không chỉ nhắm đến chỉ số thông minh (intelligence quotient) (IQ) mà còn đặc biệt ưu tiên hướng đến chỉ số về cảm xúc (emotional quotient) (EQ).13 

Thật vậy, “nhân giáo dưỡng” quan tâm nuôi dưỡng cả IQ lẫn EQ để chỉ ra mức độ hạnh phúc, là thước đo khả năng, là tiêu chuẩn xác định “nhân bản” đích thực của con người. Theo đó, ta có thể nói “nhân giáo dưỡng” luôn phải đồng hành với nhân trí, nhân chí, nghĩa là với chính nhân bản. Vâng, “Nhân trí nhân chí… cùng hợp thành nhân bản / Nhân linh hữu hạn… hướng đến cõi vô biên / Tất cả an nhiên… trong lẽ đời nhân đạo / Khí phách thanh cao… kiến tạo phẩm chất người”.14 Chẳng vậy mà người ta vẫn thường nói “nhân giáo dưỡng” là hành trình giáo dục nhân bản, giúp con người vượt qua những rào cản khó khăn tất yếu của hành trình… để dưỡng nuôi nhân đạo, để trưởng thành nhân cách.

Linh Mục, Giuse Tạ Huy Hoàng 

Gợi ý thảo luận

  1. Theo bạn, “Nhân giáo dưỡng” là gì? Tại sao có liên quan với nhân trí, nhân chí, nhân bản (IQ, EQ…)? Tại sao “nhân giáo dưỡng” cũng được xem là “nhân văn giáo dục”?

  2. Tình trạng “nhân giáo dưỡng” hiện nay của bạn như thế nào? Đối với bản thân và những người chung quanh? Nêu cụ thể một vài điểm nổi bật.


1 Với vai trò đại diện kết nối các tổ chức hiệp hội quốc gia, khu vực và quốc tế, Trần Hoàng, chủ tịch Vietnam Marcom, chủ tịch hội Marketing Việt Nam (VMA), có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp truyền thông tiếp thị. Ông cũng là nhà sáng lập Thư viện chuyên khảo công nghệ tiếp thị, quảng cáo đầu tiên tại Việt Nam và VietnamMarcom, tổ chức giáo dục đào tạo chuyên ngành truyền thông tiếp thị và xây dựng thương hiệu (x. https://vma.org.vn/ong-tran-hoang…).

2 Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (Voice of the HCMC Peoples’ Radio).

3 Nhân hiệu Việt, Sống hạnh phúc kiến tạo… “Conference – Nhân – Humanity (nhan.edu.vn)” (lấy ngày 08-9-2023).

4 Ibid.

5 X. Bao la…, Nhân trí, nhân chí, trong đời sống nhân bản… (https://www.youtube.com/watch…).

6 Nhân trí: human mind, intelligence humaine, 人類智慧 (rénlèi zhìhuì).

7 Nhân chí: human will, volonté humaine, 人的意志 (rén de yìzhì).

8 Nhân bản: human nature, nature humaine, 人性 (rén xìng).

9 Nhân giáo dưỡng: human education, éducation humaine, 人文教育 (rénwén jiàoyù).

10 Thật vậy, đó là mối liên quan kết cấu, mối liên quan tất yếu đối với nhân bản.

11 BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau… (TP. HCM: Nxb. Tôn Giáo, 2020), T5, số 64.

12 “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là câu tục ngữ khuyên con người phải thường xuyên học hỏi và đúc kết kinh nghiệm, nghĩa là rèn luyện nhân trí (và cả nhân chí).

13 X. Cardinal Peter K. A. Turkson, Vocation of the Business Leader: A Reflection (Một suy tư về ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp) (Vatican: Dicastery for Promoting Integral Human Development Publisher, 2018).

14 BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau 2, T140, số 26.

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X