Nelson Mandela – nguồn cảm hứng bất tận khuyến khích con người sống tốt và vượt qua mọi nghịch cảnh.

“Suốt cả cuộc đời mình, tôi đã luôn cống hiến bản thân cho cuộc đấu tranh này của người châu Phi. Tôi đã chiến đấu chống lại sự áp đảo của người da trắng, và tôi cũng chiến đấu chống lại sự áp đảo của người da đen. Tôi đã ấp ủ lí tưởng về một xã hội tự do và dân chủ, trong đó mọi người đều sống bên nhau trong hòa thuận và với những cơ hội bình đẳng. Đó là một lí tưởng tôi hy vọng có thể sống vì nó và đạt được nó. Nhưng, nếu cần, tôi sẵn sàng chết cho lý tưởng đó”.

Nelson Rolihlahla Mandela (IPA: [xoˈliɬaɬa manˈdeːla]), 18 tháng 7, 1918 – 5 tháng 12, 2013) là Tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999, và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Trước khi trở thành tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc), và là người đứng đầu Umkhonto we Sizwe, phái vũ trang của Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC). 

Nelson Mandela thuộc chi nhỏ nhất của dòng họ phong kiến Thembu, trị vì các lãnh thổ Transkei thuộc tỉnh Cape của Nam Phi. Ông sinh ra tại Mvezo, một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Umtata, thủ phủ của Transkei. Ông cố ruột Ngubengcuka của ông (mất năm 1832) đã trị vì với danh hiệu Inkosi Enkhulu, tức là vua của người Thembu. Một trong những con trai của nhà vua, có tên là Mandela, chính là ông nội của Nelson và đây chính là nguồn gốc họ Mandela của ông. Tuy nhiên, vì ông là con trai của Inkosi với một người vợ thuộc bộ tộc Ixhiba (gọi là “Tả gia”), các con cháu thuộc chi này tuy vẫn thuộc Hoàng gia nhưng không bao giờ được thừa kế ngai vàng Thembu.

Rolihlahla Mandela là người đầu tiên trong gia đình được đi học, tại đó cô giáo Mdingane đã đặt cho ông một cái tên tiếng Anh là “Nelson”.

Lúc Mandela lên chín, cha ông qua đời vì bệnh lao phổi, quan nhiếp chính Jongintaba trở thành người giám hộ hợp pháp của ông. Mandela đi học trường truyền giáo thuộc Hội Giám lý nằm kế bên lâu đài của quan nhiếp chính. Theo phong tục của người Thembu, ông được thụ giáo lúc 16 tuổi, rồi đi học Học viện Clarkebury Boarding. Mandela đã hoàn tất Bằng sơ trung học chỉ trong vòng hai năm, thay vì ba năm như thông thường. Để chuẩn bị thừa kế vị trí thành viên Hội đồng Cơ mật của cha mình, năm 1937, Mandela chuyển đến trường Healdtown, ngôi trường tại Fort Beaufort, nơi hầu hết con cháu hoàng tộc Thembu đều đi học. Vào lúc 19 tuổi, ông bắt đầu quan tâm đến bộ môn quyền anh và chạy bộ tại trường.

Sau đó, ông đậu vào học bằng Cử nhân tại Trường Đại học Fort Hare, nơi ông đã gặp Oliver Tambo. Tambo và Mandela sau này là những người bạn và đồng nghiệp thân thiết. Mandela cũng kết bạn với người bà con Kaiser (“K.D.”) Matanzima, người thuộc dòng trực hệ của Hữu gia của người Thembu, là người thừa kế ngai vàng Transkei, vì vai trò mà sau đó đã đưa ông đến với chính sách Bantustan. Chính sự ủng hộ chính sách này của ông và Mandela đã khiến hai người trở thành phe chính trị đối lập. Cuối năm thứ nhất, Mandela tham gia vào vụ tẩy chay của Hội sinh viên nhằm chống lại quy định của trường đại học, và bị buộc phải rời trường Fort Hare không được trở lại chừng nào ông chưa chấp nhận cuộc bầu cử của vào Hội. Sau này, lúc ở trong tù, Mandela đã học bằng Cử nhân luật của Chương trình đào tạo từ xa của Đại học Luân Đôn.

Một thời gian ngắn sau khi rời Fort Hare, Jongintaba đã thông báo với Mandela và Justice (con của quan nhiếp chính và là người thừa kế ngai vàng) rằng ông đã sắp xếp đám cưới cho cả hai người. Những thanh niên trẻ không vừa lòng với sự sắp đặt này, và quyết định chuyển đến sống ở Johannesburg. Khi đến Johannesburg, Mandela xin một chân canh gác tại một khu mỏ. Tuy nhiên, ông chủ lập tức đuổi việc Mandela khi hay rằng ông là con nuôi đang chạy trốn của Quan nhiếp chính. Mandela chuyển sang làm tập sự ở một công ty luật ở Johannesburg, Witkin, Sidelsky và Edelman, nhờ quen biết với một người bạn và người hướng dẫn, nhân viên địa ốc Walter Sisulu. Khi làm việc tại hãng Witkin, Sidelsky và Edelman, Mandela đã hoàn tất tấm bằng Cử nhân hàm thụ của Trường Đại học Nam Phi, sau đó ông học luật tại Trường Đại học Witwatersrand, tại đó ông kết bạn tới bạn học và sau này là đồng chí chống chủ nghĩa apartheid của ông Joe Slovo, Harry Schwarz và Ruth First. Slovo sau này là Bộ trưởng Bộ cư trú, còn Schwarz là Đại sứ Nam Phi tại Hoa Kỳ. Trong thời gian này, ông sống tại thành phố ngoại ô Alexandra, phía bắc Johannesburg.

Hoạt động chính trị

Sau chiến thắng của Đảng Quốc gia, ủng hộ chính sách phân biệt chủng tộc apartheid của những người Afrikaner, Mandela bắt đầu tham gia tích cực vào hoạt động chính trị. Ông đã lãnh đạo rất thành công trong Chiến dịch Phản đối của ANC năm 1952 và Đại hội Nhân dân năm 1955, từ đó thông qua Hiến chương Tự do là nền tảng cơ bản cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa apartheid. Trong thời gian này, Mandela và luật sư đồng nghiệp Oliver Tambo điều hành một công ty luật có tên là Mandela và Tambo, nhận bào chữa miễn phí hoặc giá rẻ cho nhiều người da đen thiếu luật sư đại diện. Mahatma Gandhi có ảnh hưởng lớn đến cách thức đấu tranh của Mandela, và cả phương pháp dành thắng lợi của các nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid các thế hệ sau. Mandela đã từng tham dự một hội nghị diễn ra tại New Delhi từ ngày 29-30 tháng 1 năm 2007 đánh dấu 100 năm ngày Gandhi đưa ra thuyết satyagraha (phản kháng bất bạo động) tại Nam Phi. Ban đầu, khi kiên trì đường lối đấu tranh bất bạo động, Mandela và 150 người khác bị bắt giam vào ngày 5 tháng 12 năm 1956 và bị buộc tội phản quốc. Sau quá trình xét xử kéo dài từ năm 1956-1961, tất cả các bị cáo đều được tuyên trắng án. Từ năm 1952–1959, xuất hiện một lực lượng các nhà hoạt động da đen mới được gọi là những người Toàn Phi đã cản trở các hoạt động của ANC ở khu vực thành phố của người da đen, lực lượng này đòi hỏi phải có các biện pháp quyết liệt hơn nhằm chống lại chế độ của Đảng Quốc gia. Những nhà lãnh đạo ANC lúc bấy giờ là Albert Luthuli, Oliver Tambo và Walter Sisulu không những cho rằng những người Toàn Phi đang đi quá đà mà còn cảm thấy quyền lãnh đạo của họ đang bị đe dọa. Vì thế cánh lãnh đạo của ANC đã củng cố vị thế của mình bằng cách liên minh với các đảng phái chính trị nhỏ của những người Da trắng, Da màu, lẫn Da đỏ nhằm tranh thủ lôi kéo rộng rãi số người ủng hộ hơn phái Toàn Phi. Những người Toàn Phi nhạo báng Hiến chương Tự do trong Hội nghị tại Kliptown năm 1955 vì đảng ANC với số lượng thành viên áp đảo 100.000 người mà chỉ có được một phiếu trong liên minh Đại hội. Bốn trong năm tổng thư ký của các đảng phái tham gia đại hội đều đã ngầm tham gia Đảng Cộng sản Nam Phi (SACP) tái cơ cấu, gắn liền với chính sách của Moskva. Đến năm 2003 Blade Nzimande, Tổng thư ký SACP, tiết lộ rằng Walter Sisulu, Tổng thư ký của đảng ANC, cũng đã bí mật gia nhập SACP vào năm 1955 có nghĩa là cả năm Tổng thư ký đều là người của SACP và do đó giải thích lý do tại sao Sisulu quyết định đưa vai trò của ANC từ vai trò chi phối xuống thành một trong năm bên ngang vai nhau. Trong năm 1959, ANC mất phần lớn sự ủng hộ từ lực lượng chiến đấu khi phần lớn những người Toàn Phi, với sự hỗ trợ tài chính từ Ghana và chính trị từ những người Sotho tại tỉnh Transvaal, đã ly khai để thành lập Đại hội Toàn Phi (PAC) dưới sự lãnh đạo của Robert Sobukwe và Potlako Leballo.

Hoạt động chống Chủ nghĩa Apartheid

Vào năm 1961, Mandela trở thành người đồng sáng lập và là lãnh đạo cánh vũ trang của ANC, Umkhonto we Sizwe (tạm dịch Cây giáo của Quốc gia, cũng viết tắt là MK). Ông điều hành các chiến dịch phá hoại chống lại các mục tiêu quân sự và của chính quyền, lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh du kích nếu phương cách phá hoại vẫn không chấm dứt được chế độ apartheid. Mandela cũng quyên tiền cho MK ở nước ngoài và sắp xếp các buổi huấn luyện bán quân sự cho nhóm. Người đồng chí trong đảng ANC Wolfie Kadesh giải thích chiến dịch đánh bom do Mandela dẫn dắt như sau: “Khi chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ bắt đầu vào ngày 16 tháng 12 năm 1961, nhằm làm nổ tung những vị trí là biểu tượng của chủ nghĩa apartheid, như văn phòng giấy thông hành, tòa án địa phương, và những nơi tương tự… bưu điện và… các văn phòng chính phủ. Nhưng chúng tôi dự định thực hiện điều đó sao cho không có ai bị thương vong.” Mandela đã nói về Wolfie: “Kiến thức về chiến tranh và kinh nghiệm trận mạc của ông là cực kỳ hữu ích đối với tôi.” Mandela đã xem bước chuyển sang đấu tranh vũ trang là phương kế cuối cùng; nhiều năm trời với chính sách đàn áp và bạo lực ngày càng tăng của chính quyền đã cho ông thấy sự phản kháng bất bạo động chống chủ nghĩa apartheid nhiều năm qua đã không và cũng không thể thu được tiến triển nào. Sau này, chủ yếu vào thập niên 1980, MK đã tiến hành chiến tranh du kích chống lại chế độ apartheid với nhiều thương vong là dân thường. Mandela sau này thừa nhận rằng ANC, trong cuộc chiến đấu chống lại apartheid, cũng vi phạm quyền con người, chỉ trích thẳng thừng những đảng viên trong đảng ông cố gắng đưa những câu chữ phản ánh sự thật ra khỏi báo cáo của Ủy ban Sự thật và Hòa giải. Cho đến tận tháng 7 năm 2008, Mandela và các đảng viên ANC vẫn bị hạn chế đi đến Hoa Kỳ – ngoại trừ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Manhattan — nếu không có giấy phép cho phép đặc biệt của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, vì họ bị quy là khủng bố trong thời kỳ chế độ apartheid ở Nam Phi.

Bị bắt giữ và phiên tòa Rivonia

Ngày 5 tháng 8 năm 1962 Mandela bị bắt sau khi ẩn náu được 17 tháng, và giam giữ tại Pháo đài Johannesburg. Vụ bắt giữ này xảy ra do Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã tiết lộ nơi ẩn náu và nhân dạng giả của Mandela cho an ninh. Ba ngày sau đó, người ta đã đọc lời buộc tội ông chủ mưu kêu gọi công nhân đình công vào năm 1961 và vượt biên bất hợp pháp tại tòa. Ngày 25 tháng 10 năm 1962, Mandela bị tuyên án 5 năm tù giam. Hai năm sau vào ngày 11 tháng 6 năm 1964, ông lại phải ra tòa một lần nữa vì những hoạt động trong Hội đồng Quốc gia châu Phi (ANC). Trong lúc Mandela đang trong tù, cảnh sát đã bắt giữ nhiều lãnh đạo cốt cán của ANC vào ngày 11 tháng 7 năm 1963, tại Liliesleaf Farm, Rivonia, phía bắc Johannesburg. Mandela được ghép vào xét xử chung, và tại Phiên tòa Rivonia, họ bị chánh án, Tiến sĩ Percy Yutar, cáo buộc nhiều tội danh trong đó chủ yếu là phá hoại (Mandela thừa nhận tội này) và các tội tương đương với phản quốc, nhưng chính quyền dễ chứng minh hơn. Lời buộc tội thứ hai cáo buộc các bị cáo âm mưu một cuộc xâm lược của ngoại quốc vào Nam Phi, Mandela phủ nhận tội danh này. Trong lời phát biểu tại ghế bị cáo mở đầu phiên biện hộ trong phiên tòa ngày 20 tháng 4 năm 1964 tại Tòa án Tối cao Pretoria, Mandela đã nói rằng việc ANC lựa chọn sử dụng vũ lực chỉ là một sách lược mà thôi. Lời phát biểu của ông đã mô tả ANC đã sử dụng các biện pháp hòa bình như thế nào để chống lại chủ nghĩa apartheid trong nhiều năm trời cho đến khi xảy ra vụ Thảm sát Sharpeville. Sự kiện đó đi kèm với cuộc trưng cầu dân ý để thành lập Cộng hòa Nam Phi và sự tuyên bố tình trạng khẩn cấp cùng với việc cấm chỉ hoạt động của ANC đã khiến cho Mandela và các đồng chí của ông thấy rằng lựa chọn duy nhất của họ chỉ có thể thông qua các hành động phá hoại, nếu không chẳng khác nào một sự đầu hàng vô điều kiện. Mandela tiếp tục giải thích cách họ hình thành Tuyên ngôn Umkhonto we Sizwe vào ngày 16 tháng 12 năm 1961 dự kiến sẽ phô bày sự thất bại của các chính sách của Đảng Quốc gia sau khi nền kinh tế bị đe dọa cho những người ngoại quốc không còn sẵn lòng đầu tư vào đất nước nữa. Ông kết thúc bài phát biểu bằng những lời sau đây: “Tôi cống hiến cả đời tôi cho sự nghiệp đấu tranh của người dân châu Phi. Tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi cũng chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi yêu mến lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do trong đó mọi người dân sống với nhau hòa thuận và bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng sẽ sống vì nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó.” Bram Fischer, Vernon Berrange, Harry Schwarz, Joel Joffe, Arthur Chaskalson và George Bizos là các luật sự bảo vệ cho bên bị.Harold Hanson cũng được bổ sung vào cuối phiên tòa để giúp giảm nhẹ tội danh. Tất cả mọi người trừ Rusty Bernstein đều bị tuyên là có tội, nhưng họ thoát khỏi án treo cổ mà bị tuyên tù chung thân vào ngày 12 tháng 6 năm 1964. Lời buộc tội gồm có tham gia lên kế hoạch hành động vũ trang, cụ thể là bốn cáo buộc phá hoại, mà Mandela thừa nhận, và một âm mưu chính trị trợ giúp nước ngoài xâm lược Nam Phi, tội này bị Mandela phủ nhận. 

Thời gian trong tù

Nelson Mandela bị giam giữ tại Đảo Robben và đã ở đấy 18 năm trong tổng số 27 năm trong tù của ông. Khi ở trong tù, ông dần dần trở nên nổi tiếng với vai trò là nhà lãnh đạo da đen đáng chú ý nhất tại Nam Phi. Ở trên đảo, ông và các tù nhân khác phải lao động khổ sai ở một mỏ đá vôi. Điều kiện sống trong tù rất cơ bản. Tù nhân cũng bị phân chia theo sắc tộc và tù nhân da đen là những người nhận được lượng thực phẩm ít nhất. Tù chính trị được giam giữ riêng biệt với thường phạm và được hưởng ít quyền lợi hơn. Mandela đã mô tả rằng, do bị xếp vào tù nhân nhóm D (hạng thấp nhất) ông chỉ được phép có một người khách viếng thăm và nhận một lá thư mỗi sáu tháng. Những lá thư thường bị trễ khá lâu và rất khó đọc do chế độ kiểm duyệt trong nhà tù. Lúc ở trong tù Mandela đã tham gia khóa học từ xa của Đại học Luân Đôn và nhận bằng Cử nhân Luật. Ông sau đó được đề cử làm Hiệu trưởng danh dự của Đại học Luân Đôn trong cuộc bình chọn năm 1981, nhưng vị trí này đã thuộc về Công chúa Anne. Trong cuốn hồi ký Inside BOSS xuất bản năm 1981 điệp viên Gordon Winter đã kể về việc ông này tham gia kế hoạch giải cứu Mandela vào năm 1969: kế hoạch này bị Winter tiết lộ thay mặt cho cơ quan tình báo Nam Phi, họ muốn Mandela trốn thoát để họ có thể xử bắn ông khi tìm bắt lại. Kế hoạch này đã bị Cơ quan Tình báo Anh chặn đứng. Vào tháng 3 năm 1982 Mandela được chuyển từ Đảo Robben sang Nhà tù Pollsmoor, cùng với các nhà lãnh đạo ANC khác như Walter Sisulu, Andrew Mlangeni, Ahmed Kathrada và Raymond Mhlaba. Đã có suy đoán rằng đây là cách để xóa bỏ sức ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo cấp cao này đối với thế hệ những nhà hoạt động da đen trẻ đang bị giam tại Đảo Robben, cái gọi là “Trường Đại học Mandela”. Tuy nhiên, Thủ tướng Kobie Coetsee thuộc Đảng Quốc gia nói rằng việc chuyển trại này giúp cho việc liên hệ giữa họ và chính quyền Nam Phi được thuận tiện hơn. Tháng 2 năm 1985 Tổng thống P.W. Botha đề nghị trả tự do cho Mandela với điều kiện ông phải ‘từ bỏ phương cách đấu tranh chính trị bằng bạo lực một cách vô điều kiện’. Coetsee và các bộ trưởng khác phản đối đề xuất của Botha, cho rằng Mandela sẽ không bao giờ yêu cầu tổ chức của ông từ bỏ đấu tranh vũ trang để đổi lấy sự tự do cho cá nhân mình. Đúng là Mandela đã bác bỏ đề xuất và đưa ra lời tuyên bố thông qua cô con gái Zindzi trong đó nói rằng “Thứ tự do đang được đề nghị cho tôi là cái gì trong khi tổ chức của nhân dân vẫn bị cấm đoán? Chỉ có những người tự do mới có thể thương lượng mà thôi. Một tù nhân không thể tham gia vào một thỏa hiệp nào hết.” Cuộc gặp đầu tiên giữa Mandela và chính quyền Đảng Quốc gia diễn ra vào tháng 11 năm 1985, khi Kobie Coetsee gặp gỡ Mandela tại Bệnh viện Volks Hospital ở Cape Town nơi Mandela đang tịnh dưỡng sau cuộc phẫu thuật tuyến tiền liệt. Trong bốn năm sau đó, một loạt các cuộc gặp mang tính thăm dò đã diễn ra, làm nền tảng cho các cuộc tiếp xúc và thương lượng về sau, nhưng tiến bộ thực sự thì không nhiều. Vào năm 1988 Mandela được chuyển đến Nhà tù Victor Verster và ở đó cho đến khi ông được phóng thích. Người ta đã dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với ông và những người như Harry Schwarz đã có thể tự do thăm viếng ông. Schwarz, một người bạn của Mandela, biết ông từ khi họ học chung lớp luật ở trường đại học. Ông này cũng là luật sư biện hộ cho Mandela tại Phiên tòa Rivonia và sau này là đại sứ tại Washington khi Mandela làm tổng thống. Trong suốt thời kỳ Mandela bị giam giữ, đã có nhiều áp lực ở trong cũng như ngoài nước đòi chính quyền Nam Phi phải trả tự do cho ông, với khẩu hiệu nổi tiếng Free Nelson Mandela! (Hãy thả Nelson Mandela). Đến năm 1989, Nam Phi có sự chuyển biến khi Botha bị đột quỵ và Frederik Willem de Klerk thay thế vào vị trí tổng thống. De Klerk tuyên bố thả tự do cho Mandela vào tháng 2 năm 1990. Mandela đã được Ủy hội Chữ thập đỏ Quốc tế viếng thăm vài lần khi ông còn ở Đảo Robben và sau này ở nhà tù Pollsmoor. Mandela đã nói về những chuyến thăm viếng như sau: “với cá nhân tôi, và với những ai đã từng trải qua thời gian là tù chính trị, Hội chữ thập đỏ là một tia sáng nhân đạo trong thế giới tăm tối thiếu nhân tính của nhà tù chính trị.” 

Trả tự do

 Mandela và Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton năm 1993 Ngày 2 tháng 2 năm 1990, Tổng thống Quốc gia F.W. de Klerk đã hủy lệnh cấm hoạt động đối với Đảng ANC và các tổ chức chống chủ nghĩa apartheid khác, đồng thời thông báo Mandela sẽ sớm được trả tự do. Mandela được trả tự do từ Nhà tù Victor Verster ở Paarl vào ngày 11 tháng 2 năm 1990. Sự kiện này được phát hình trực tiếp trên khắp thế giới. Vào ngày được phóng thích, Mandela đã có một bài diễn văn gửi đến toàn quốc. Ông tuyên bố cam kết hòa bình và hòa giải với những người da trắng thiểu số trong nước, nhưng nói rõ rằng cuộc đấu tranh vũ trang của ANC vẫn chưa chấm dứt khi ông nói “phương sách đấu tranh vũ trang vào năm 1960 khi chúng tôi hình thành phái quân sự trong ANC (Umkhonto we Sizwe) đơn thuần là hành động tự vệ chống lại sự tàn bạo của chủ nghĩa apartheid. Các yếu tố đưa đến cuộc đấu tranh vũ trang đến nay vẫn hiển diện. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục. Chúng tôi bày tỏ hy vọng một không khí có lợi cho một cuộc thương lượng sẽ sớm được tạo ra, để nhu cầu đấu tranh vũ trang không còn nữa.” Ông cũng nói rằng tập trung chính của ông là mang lại hòa bình cho những người da đen đa số và cho họ quyền bỏ phiếu trong những cuộc bầu cử cấp quốc gia lẫn địa phương.

Thương thuyết

 Tổng thống de Klerk và Mandela trong Đại hội Kinh tế Thế giới tại Davos năm 1992 Sau khi được trả tự do, Mandela trở lại làm lãnh đạo ANC, rồi từ năm 1990 đến 1994, ông lãnh đạo đảng này trong cuộc thương lượng đa đảng dẫn tới cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên trong nước. Năm 1991, ANC tổ chức hội nghị toàn quốc đầu tiên của mình ở Nam Phi sau khi được dỡ bỏ lệnh cấm, hội nghị đã bầu Mandela làm Chủ tịch (President) của tổ chức. Người bạn và người đồng nghiệp lâu năm của ông, Oliver Tambo, người lãnh đạo tổ chức lưu vong khi Mandela còn ở trong tù, trở thành Chủ tịch Quốc gia (National Chairperson). Vai trò lãnh đạo của Mandela trong cuộc thương thuyết, cũng như mối quan hệ của ông với Tổng thống F.W. de Klerk, đã được thừa nhận khi họ cùng được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1993. Tuy nhiên, mối quan hệ này thỉnh thoảng trở nên căng thẳng, cụ thể như trong một phát biểu nảy lửa vào năm 1991 khi ông nói De Klerk là người cầm đầu một “chế độ không hợp pháp, mất uy tín, gồm toàn những người thiểu số”. Cuộc thương thuyết có lần đã đổ vỡ do vụ thảm sát Boipatong tháng 6 năm 1992, khi đó Mandela cùng đoàn đại biểu của ANC bước ra khỏi cuộc thương thuyết, cáo buộc chính quyền De Klerk đồng lõa với các vụ giết chóc. Tuy nhiên, những cuộc hội đàm đã được tiếp diễn sau vụ thảm sát Bisho tháng 9 năm 1992, khi bóng ma bạo lực khiến cho người ta nhận thấy hội đàm là cách duy nhất để tiến tới một giải pháp. Sau vụ ám sát nhà lãnh đạo ANC Chris Hani tháng 4 năm 1993, lại dấy lên sự sợ hãi đất nước sẽ lại tan vỡ trong bạo lực. Mandela đã gửi thông điệp toàn quốc yêu cầu mọi người bình tĩnh, trong bài phát biểu với vai trò ‘tổng thống’ dù khi đó ông chưa phải là tổng thống thực sự. Mandela nói rằng “tối nay tôi đang nói với từng người Nam Phi, cả đen lẫn trắng, những lời nói xuất phát từ sâu thẳm lòng mình. Một người da trắng đầy thành kiến và căm giận đã đến đất nước chúng ta và thực hiện một hành vi sai lầm đến mức khiến cả nước phải đối mặt với vực thẳm khủng hoảng. Một người phụ nữ da trắng, gốc Afrikan, đã liều mạng sống của bà để chúng ta có thể biết đến, và mang lại sự công bằng cho vụ ám sát này. Vụ giết người máu lạnh nhằm vào Chris Hani đã tạo một làn sóng rung chuyển đất nước và thế giới… Giờ đây đã đến lúc mọi người dân Nam Phi sát cánh cùng nhau để chống lại bất cứ hành vi nào nhằm phá hủy những gì Chris Hani đã cống hiến cả đời ông cho nó – sự tự do cho tất cả chúng ta”. Dù đã có một số vụ bạo loạn xảy ra sau vụ ám sát, các bên thương lượng vẫn tích cực hành động, và sớm thỏa thuận một cuộc bầu cử dân chủ diễn ra vào ngày 27 tháng 4 năm 1994, chỉ hơn một năm sau vụ ám sát Hani.

 

THỜI TUỔI TRẺ

Thời kỳ làm Tổng thống Nam Phi

Cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên ở Nam Phi với quyền bỏ phiếu được trao cho tất cả mọi người đã diễn ra vào ngày 27 tháng 4 năm 1994. ANC giành được 62% số phiếu bầu, và Mandela, với vai trò là lãnh đạo ANC, đã nhậm chức làm Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi vào ngày 10 tháng 5 năm 1994, de Klerk của Đảng Quốc gia là phó tổng thống thứ nhất và Thabo Mbeki là phó tổng thống thứ hai trong Chính phủ Thống nhất Quốc gia. Với vị trí là Tổng thống từ tháng 5 năm 1994 cho đến tháng 6 năm 1999, Mandela đã chủ trì sự chuyển giao từ quyền lực của thiểu số và chủ nghĩa apartheid, giành được sự tôn trọng của quốc tế đối với những nỗ lực hòa giải quốc gia và thế giới của ông. Mandela đã khích lệ những người Nam Phi da đen ủng hộ cho đội Springbok (đội tuyển rugby quốc gia Nam Phi) trước đây bị dân chúng ghét bỏ khi Nam Phi tổ chức Cúp Rugby Thế giới 1995. Sau khi Springbok giành chiến thắng trong trận chung kết trước New Zealand, Mandela đã trao cúp vô địch cho đội trưởng Francois Pienaar, một người Afrikan, trên người mặc chiếc áo đấu Springbok với con số 6 của Pienaar sau lưng. Hành động này được xem là bước tiến lớn của sự hòa giải giữa người Nam Phi da trắng và da đen. Sau khi nhậm chức tổng thống, một trong những dấu hiệu đặc trưng của Mandela là chiếc áo Batik của ông, còn được biết đến với cái tên “Áo Madiba”, kể cả trong những sự kiện long trọng. Trong hành động quân sự đầu tiên sau thời kỳ apartheid của Nam Phi, Mandela đã ra lệnh cho quân đội xâm nhập lãnh thổ Lesotho vào tháng 9 năm 1998 để bảo vệ chính quyền của Thủ tướng Pakalitha Mosisili. Vụ việc này diễn ra sau một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi trong đó lực lượng phản đối đã đe dọa đến chính quyền thiếu ổn định này. Những nhà bình luận và phê bình trong đó có cả các nhà hoạt động vì AIDS như Edwin Cameron đã chỉ trích Mandela vì sự thiếu hiệu quả của chính quyền ông trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng AIDS. Sau khi nghỉ hưu, Mandela thừa nhận rằng ông đã thất bại vì đã không chú ý nhiều hơn đến bệnh dịch HIV/AIDS. Mandela từ đó đã có một số bài phát biểu chống lại bệnh dịch AIDS.

Vụ xử Lockerbie

 Tổng thống Mandela có sự quan tâm đặc biệt trong việc giúp đỡ giải quyết tranh cãi kéo dài giữa một bên là quốc gia Lybia dưới thời Gaddafi, còn bên kia là Hoa Kỳ và Anh, đối với việc mang ra xét xử hai người Lybia bị truy tố vào tháng 11 năm 1991 và bị buộc tội phá hoại Chuyến bay 103 của Pan Am, khiến nó rơi tại thị trấn Lockerbie của Scotland ngày 21 tháng 12 năm 1988, làm cho 270 người thiệt mạng. Từ đầu năm 1992, Mandela đã có lời đề nghị không chính thức gửi tới Tổng thống George H.W. Bush yêu cầu xét xử hai nghi phạm Lybia tại quốc gia thứ ba. Bush tỏ ra tán thành đề nghị này, cả Tổng thống François Mitterrand của Pháp và Vua Juan Carlos I của Tây Ban Nha cũng vậy. Vào tháng 11 năm 1994 – sáu tháng sau khi ông đắc cử tổng thống – Mandela chính thức đề nghị Nam Phi nên là nơi diễn ra phiên toàn xét xử vụ đánh bom Chuyến bay 103 của Pan Am. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh John Major thẳng thừng từ chối ý tưởng này nói rằng chính phủ Anh không tin tưởng vào tòa án nước ngoài.[89] Đến ba năm sau, Mandela một lần nữa lại gửi lời đề nghị đến người kế nhiệm Major, Tony Blair, khi ông có chuyến viếng thăm Luân Đôn vào tháng 7 năm 1997. Cuối năm đó, tại Cuộc họp những người đứng đầu chính phủ của khối Thịnh vượng chung năm 1997 tại Edinburgh tháng 10 năm 1997, Mandela đã cảnh báo: “Không thể có một quốc gia vừa là nguyên cáo, vừa là bên nguyên lẫn quan tòa.

Cuối cùng đã có một thỏa hiệp để tổ chức phiên tòa ở Trại quân sự Zeist ở Hà Lan, xét xử theo Luật Scotland, và Tổng thống Mandela bắt đầu thương thuyết với Đại tá Gaddafi để dẫn độ hai bị cáo (Megrahi và Fhimah) vào tháng 4 năm 1999.[90] Sau phiên tòa kéo dài 9 tháng, phán quyết đã được công bố vào ngày 31 tháng 1 năm 2001. Fhimah được tuyên trắng án, nhưng Megrahi bị buộc tội và phải lãnh 27 năm tù trong một nhà tù ở Scotland. Kháng cáo lần đầu của Megrahi đã bị bác vào tháng 3 năm 2002, và cựu tổng thống Mandela đã đến thăm người này tại nhà tù Barlinnie vào ngày 10 tháng 6 năm 2002.

Megrahi sau đó được chuyển đến nhà tù Greenock và không còn bị biệt giam nữa. Tháng 8 năm 2009, Megrahi, sau khi được chẩn đoán bị ung thư và chỉ còn sống được 3 tháng, đã được trả tự do trong một đợt ân xá và được phép trở về Libya. Quỹ Nelson Mandela đã ủng hộ quyết định ân xá cho Megrahi trong một bức thư gửi tới Chính quyền Scotland thay mặt cho Mandela.

Tôn vinh

 Chiến sĩ giải phóng Nam Phi Nelson Mandela trên con tem kỷ niệm của Liên Xô năm 1988 Theo một bài viết trên tạp chí Newsweek, “Mandela đã có được một vị trí bất khả xâm phạm khi nhắc đến Nam Phi. Ông là nhà giải phóng dân tộc, vị cứu tinh, là Washington và Lincoln hòa lại làm một”. Tháng 11 năm 2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông báo ngày sinh của Mandela, 18 tháng 7, sẽ được gọi là “Ngày Mandela” để ghi nhớ sự đóng góp của ông vào nền tự do của thế giới.

Huân huy chương

Mandela đã nhận được nhiều giải thưởng của Nam Phi, nước ngoài và quốc tế, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993 (cùng với Frederik Willem de Klerk), được Nữ hoàng Elizabeth II trao Huân chương Công lao và Baliff Grand Cross của Huân chương Thánh John, Huân chương Tự do Tổng thống của George W. Bush. Bản mẫu:Failed verification. Tháng 7 năm 2004, thành phố Johannesburg trao tặng danh hiệu cao nhất cho Mandela sự tự do của thành phố tại buổi lễ ở Orlando, Soweto. Ông cũng thường nhận được sự tán dương khi đi ra nước ngoài. Trong chuyến thăm Canada năm 1998, 45.000 học sinh đã chào đón ông khi ông có bài phát biểu tại SkyDome, Toronto. Vào năm 2001, ông là người còn sống đầu tiên trở thành Công dân danh dự của Canada (người nhận danh hiệu duy nhất trước đó là Raoul Wallenberg sau khi đã mất). Khi còn ở Canada, ông cũng nhận Huân chương Canada, là một trong số ít người nước ngoài nhận được huân chương này. Năm 1981, ông đư5ơc trao Giải Bruno Kreisky. Năm 1988, ông đoạt Giải thưởng Sakharov của Nghị viện châu Âu và Giải Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Năm 1990 ông nhận được Giải thưởng Bharat Ratna của chính phủ Ấn Độ và là người cuối cùng nhận được Giải thưởng Hòa bình Lenin của Liên Xô. Vào năm 1992 ông được nhận Giải thưởng Hòa bình Atatürk của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã từ chối giải thưởng vì cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó đang vi phạm nhân quyền, nhưng đến năm 1999 thì chấp nhận giải thưởng Vào năm 1992 ông nhận được Nishan-e-Pakistan, giải thưởng phục vụ cộng đồng cao nhất của Pakistan. Năm 2004, ông được trao Giải Ý thức toàn cầu của Câu lạc bộ Budapest.

Bài hát ca ngợi

Nhiều nghệ sĩ đã viết bài hát và nhạc về Mandela. Một trong những nhóm nổi tiếng nhất là The Specials đã thu âm bài hát “Free Nelson Mandela” vào năm 1983. Stevie Wonder viết bài hát đã đoạt giải Oscar “I Just Called to Say I Love You” cho Mandela, dẫn đến bài này bị Hãng thông tấn Nam Phi cấm lưu hành. Vào năm 1985, album Nelson Mandela của Youssou N’Dour là bản phát hành đầu tiên tại Mỹ của ca sĩ người Senegal này. Năm 1988, một buổi hòa nhạc Kỷ niệm ngày sinh lần thứ 70 của Mandela đã diễn ra tại Sân vận động Wembley ở Luân Đôn là trung tâm của phong trào chống chủ nghĩa apartheid, tại đó nhiều ca sĩ đã góp tiếng nói ủng hộ Mandela. Jerry Dammers, tác giả của bài hát Nelson Mandela, là một thành viên trong ban tổ chức. Simple Minds đã thu âm bài hát “Mandela Day” dành cho buổi hòa nhạc, Santana đã thu âm bản giao hưởng “Mandela”, Tracy Chapman trình diễn bài “Freedom Now”, dành tặng cho Mandela và phát hành album Crossroads, Salif Keita đến từ Mali, có chơi ở buổi hòa nhạc, sau này có đến thăm Nam Phi và năm 1995 thu âm bài hát “Mandela” trong album Folon.Tại Nam Phi, “Asimbonanga (Mandela)” (“Chúng tôi chưa thấy ông”) trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Johnny Clegg, xuất hiện trong album Third World Child năm 1987. Hugh Masekela, khi đó đang lưu vong ở Anh, đã hát bài “Bring Him Back Home (Nelson Mandela)” vào năm 1987. Bài hát “Black President” vào năm 1989 của Brenda Fassie, cũng dành tặng Mandela, trở nên cực kỳ nổi tiếng dù nó bị cấm tại Nam Phi. Nhạc sĩ nhạc reggae người Nigeria Majek Fashek đã phát hành đĩa đơn, “Free Mandela” vào năm 1992, đưa ông thành một trong nhiều nghệ sĩ Nigeria phát hành bài hát liên quan đến phong trào chống chủ nghĩa apartheid và đến Mandela. Vào năm 1990, ban nhạc rock ở Hồng Kông Beyond đã ra mắt bài hát tiếng Quảng Đông nổi tiếng, “Days of Glory”. Bài hát với chủ đề chống chủ nghĩa apartheid đã nhắc đến cuộc đấu tranh anh hùng của Mandela vì sự công bằng sắc tộc. Nhóm Ladysmith Black Mambazo đã đi cùng với Mandela tới buổi trao Giải Nobel Hòa bình tại Oslo, Na Uy vào năm 1993, và trình diễn trong buổi nhậm chức năm 1994. Vào năm 2003, Mandela đồng ý đưa tên tuổi của ông vào chiến dịch 46664 chống lại căn bệnh AIDS, đặt theo số tù của ông. Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đã trình diễn trong các buổi hòa nhạc. Sơ lược tiểu sử của Mandela đã được chiếu trong bản video nhạc “If Everyone Cared” của Nickelback vào năm 2006. Bài hát “Turn This World Around” của Raffi dựa trên bài diễn văn của Mandela khi ông giải thích thế giới cần phải “xoay vòng, vì những đứa trẻ”. Một buổi hòa nhạc kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Mandela đã diễn ra tại Hyde Park, Luân Đôn ngày 27 tháng 6 năm 2008.

Sách tiểu sử đã xuất bản

Tự truyện của Mandela, Long Walk to Freedom, được xuất bản vào năm 1994. Mandela đã bắt đầu viết cuốn sách này một cách bí mật khi ở trong tù. Trong quyển sách này Mandela không tiết lộ điều gì về sự đồng lõa của F. W. de Klerk trong những vụ bạo lực xảy ra vào thập niên 80 và 90, hay vai trò của bà vợ cũ Winnie Mandela trong những vụ tắm máu đó. Tuy nhiên, ông sau này có cộng tác cùng với bạn ông, nhà báo Anthony Sampson bàn luận về các vấn đề này trong Mandela: The Authorised Biography. Một chi tiết khác mà Mandela đã bỏ qua là cuốn sách có phần giả mạo Goodbye Bafana. Tác giả của nó, cai ngục James Gregory trên đảo Robben, nhận mình là bạn tâm tình của Mandela trong tù và đã xuất bản những chi tiết về những vụ yêu đương trong gia đình của người tù. Sampson luôn nói rằng Mandela không biết rõ Gregory lắm, nhưng có thể Gregory đã kiểm duyệt những bức thư gửi cho Mandela nên khám phá ra những chi tiết về đời tư của Mandela. Sampson cũng quả quyết rằng các cai ngục khác nghi ngờ Gregory là mật thám của chính phủ và Mandela đang xem xét việc kiện Gregory.

Theo wikipedia.org


‘Tôi sẵn sàng chết đi’, bài phát biểu để đời của Nelson Mandela

“Tôi sẵn sàng chết đi” là tựa đề bài phát biểu dài 3 tiếng đồng hồ của Nelson Mandela ngày 20/4/1964, được xếp vào danh sách những diễn văn làm thay đổi thế giới.

Cuộc đời của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela là một câu chuyện vĩ đại, là nguồn cảm hứng bất tận khuyến khích con người sống tốt và vượt qua mọi nghịch cảnh.

'Tôi sẵn sàng chết đi', bài phát biểu để đời của Nelson Mandela
Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (8/7/1918 – 5/12/2013)

Trở lại mốc thời gian tháng 7/1963, 10 thủ lĩnh của Đại hội Dân tộc Phi – phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid của nhân dân Nam Phi, viết tắt là ANC – bị bắt tại Rivonia, ngoại ô Johannesburg. Cùng với nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc Mandela (đã bị bắt vào tháng 8/1962 và đang thụ án 5 năm tù), họ bị buộc tội phá hoại, tiếp tay cho các thế lực nước ngoài. 

Khi đối mặt với án tử hình vì tội âm mưu lật đổ chính quyền khi đó, từ ghế của bị cáo tại phiên tòa ở Rivonia, Nelson Mandela đã có bài phát biểu để đời này. Thay cho những lời trình bày chứng thực, ông chỉ ra những bất công của xã hội và của hệ thống luật pháp Nam Phi, đồng thời cố gắng thể hiện rõ chương trình chính trị và đạo nghĩa của ANC.

Được biết, bài phát biểu đã được Nelson Mandela chuẩn bị trong nhiều tuần trước phiên tòa. Ông đặc biệt quan tâm đến mục đích làm cho nó thu hút sự chú ý của cả thế giới, nhằm tạo dư luận quốc tế ủng hộ cho sự nghiệp của ANC.

“Tôi là bị cáo đầu tiên. Tôi có bằng cử nhân nghệ thuật và đã làm luật sư ở Johannesburg vài năm trong sự hợp tác với Oliver Tambo. Tôi là một tù nhân bị kết án và đã thụ án 5 năm vì rời khỏi đất nước mà không có giấy phép và vì xúi giục mọi người đình công vào cuối tháng 5 năm 1961”, Nelson Mandela mở đầu bài phát biểu, nhắc đến Oliver Tambo, nhà cách mạng và chính trị gia chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nổi tiếng ở Nam Phi khi đó.

Khẳng định ý kiến cho rằng cuộc đấu tranh ở Nam Phi chịu ảnh hưởng từ nước ngoài là hoàn toàn không chính xác, ông Mandela lý giải bản thân đã hành động vì những trải nghiệm của mình ở Nam Phi và vì gốc rễ châu Phi vốn khiến ông cảm thấy rất tự hào. 

Nelson thẳng thắn thừa nhận đã lên “kế hoạch phá hoại”, nhưng tuyên bố ông không làm điều đó với tinh thần liều lĩnh hay thích bạo lực. “Tôi đã lên kế hoạch đó như kết quả của quá trình đánh giá rất bình tĩnh và tỉnh táo về tình hình chính trị xuất phát từ nhiều năm dân tộc tôi bị người da trắng bạo ngược, bóc lột và áp bức”.

Nhà cách mạng lập luận, tất cả các biện pháp bất bạo động đều đã được thử nhưng chỉ dẫn đến gia tăng các hạn chế và giảm bớt tự do cho người dân châu Phi. Đề cập đến vụ xả súng ở Sharpeville và một số hành động bạo lực khác của chính phủ nhằm vào người biểu tình, ông tuyên bố “chính phủ sử dụng vũ lực để hỗ trợ chế độ cai trị dạy cho tầng lớp bị áp bức dùng vũ lực để chống lại chính nó”.

“Tôi đi đến kết luận rằng bạo lực ở đất nước này là không thể tránh khỏi, nên sẽ không thực tế nếu tiếp tục rao giảng hòa bình và bất bạo động. Kết luận này không dễ dàng đạt được. Chỉ khi tất cả những cách khác đã thất bại, khi tất cả các kênh phản đối ôn hòa đã bị cấm, chúng tôi mới quyết định dấn thân vào các hình thức đấu tranh chính trị bạo lực. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi cảm thấy có nghĩa vụ về mặt đạo đức để làm những gì tôi đã làm”, ông lý giải. 

Nelson Mandela cho biết, sau khi tham dự Hội nghị của Phong trào Tự do liên Phi vào đầu năm 1962 ở Addis Ababa (Ethiopia), ông đã có chuyến đi thành công tới nhiều nước châu Phi. “Ở bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nhận được sự cảm thông cho chính nghĩa của chúng tôi cùng với những lời hứa giúp đỡ. Tất cả châu Phi đã đoàn kết chống lại vị thế của người Nam Phi da trắng. Ngay cả ở London (Anh), tôi cũng nhận được sự đồng cảm lớn của các nhà lãnh đạo chính trị, chẳng hạn như ông Gaitskell và ông Grimond”.

Gaitskell, tên đầy đủ là Hugh Todd Naylor Gaitskell, là lãnh đạo Công đảng Anh từ năm 1955 đến khi ông qua đời năm 1963, còn Grimond, tên đầy đủ là Joseph Grimond, Lãnh đạo đảng Tự do Anh trong 11 năm từ 1956 đến 1967.

“Ngay từ đầu, tôi đã luôn coi mình là một người châu Phi yêu nước”, ông Mandela khẳng định.

Trích đoạn bài phát biểu:

“Nam Phi là quốc gia giàu nhất châu Phi và có thể là một trong những quốc gia giàu nhất toàn cầu. Nhưng, nó là một vùng đất của những trái ngược quá rõ. Người da trắng được hưởng những gì có thể là mức sống cao nhất trên thế giới, trong khi người châu Phi chìm trong nghèo đói và khốn khổ. Nghèo đói đi đôi với suy dinh dưỡng và bệnh tật. Bệnh lao, bệnh pellagra và bệnh scorbut dẫn đến những cái chết và hủy hoại sức khỏe.

Tuy nhiên, lời phàn nàn của người châu Phi không chỉ là vì họ nghèo và người da trắng giàu, mà là luật do người da trắng tạo ra để duy trì tình trạng này. Có hai cách để thoát khỏi đói nghèo. Thứ nhất là bằng giáo dục chính quy, và thứ hai là do người lao động có được kỹ năng tốt hơn trong công việc của mình, từ đó hưởng mức lương cao hơn. Nhưng như nhiều người châu Phi quan ngại, cả hai con đường này đều bị luật pháp tước đoạt một cách chủ ý”.

Theo Nelson Mandela, tình trạng “người châu Phi thiếu phẩm giá con người là kết quả trực tiếp từ chính sách người da trắng thượng đẳng” và chính sách này bao hàm vị trí thấp kém của người da đen, và người châu Phi phải làm những công việc như của đầy tớ.

Tiếp tục bài phát biểu, ông Mandela phản ánh mong muốn của người châu Phi được trả một mức lương đủ sống và muốn thực hiện những công việc có đủ khả năng làm, muốn được phép sở hữu đất ở nơi họ làm việc, và không bị buộc phải sống trong những ngôi nhà thuê mà họ “không bao giờ có thể gọi là của riêng mình”.

“Người châu Phi muốn có một phần công bằng trong toàn bộ đất nước Nam Phi trọn vẹn; họ muốn an ninh và đóng góp vào xã hội”, ông khẳng định. 

“Trên tất cả, chúng tôi muốn có các quyền chính trị bình đẳng, bởi vì nếu không có, chúng tôi sẽ mãi bất lực. Tôi biết điều này nghe có vẻ mang tính cách mạng đối với những người da trắng ở đất nước này, bởi vì đa số cử tri sẽ là người châu Phi. Chính điều đó khiến người da trắng sợ hãi nền dân chủ. Nhưng nỗi sợ hãi này không thể nào được phép cản trở giải pháp duy nhất mà sẽ đảm bảo sự hòa hợp chủng tộc và tự do cho tất cả mọi người”.

'Tôi sẵn sàng chết đi', bài phát biểu để đời của Nelson Mandela
Ông Nelson Mandela lĩnh án chung thân tại phiên tòa ở Pretoria

Mandela khẳng định đó là những gì mà ANC đang chiến đấu. “Cuộc đấu tranh của họ là một cuộc đấu tranh dân tộc thực sự. Đó là một cuộc đấu tranh của người dân châu Phi, được truyền cảm hứng từ nỗi đau của chính họ và kinh nghiệm của chính họ. Đó là một cuộc đấu tranh cho quyền được sống”.

Khép lại bài phát biểu, ông nói lên ý nguyện của bản thân bằng những ngôn từ làm lay động lòng người:

“Suốt cả cuộc đời mình, tôi đã luôn cống hiến bản thân cho cuộc đấu tranh này của người châu Phi. Tôi đã chiến đấu chống lại sự áp đảo của người da trắng, và tôi cũng chiến đấu chống lại sự áp đảo của người da đen. Tôi đã ấp ủ lí tưởng về một xã hội tự do và dân chủ, trong đó mọi người đều sống bên nhau trong hòa thuận và với những cơ hội bình đẳng. Đó là một lí tưởng tôi hy vọng có thể sống vì nó và đạt được nó. Nhưng, nếu cần, tôi sẵn sàng chết cho lý tưởng đó”.

Nelson Mandela (18/7/1918 – 5/12/2013) là Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, là biểu tượng của cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc và là một trong những nhân vật chính trị xuất chúng của thế kỷ 20.

Ông từng bị cầm tù 27 năm vì chống lại chế độ phân biệt chủng tộc, cho tới khi được thả vào năm 1990. Chủ nhân của giải Nobel Hòa bình này đã có 67 năm đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp của hòa bình, nhân đạo, công bằng xã hội và hòa giải dân tộc.

Năm 2009, Liên Hợp Quốc lấy ngày sinh của ông – 18/7 – làm Ngày Quốc tế Nelson Mandela.

Thanh Hảo

Nguồn: VietnamNet

Để lại một bình luận

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X