Phan Chánh Dưỡng

Giáo dục phải thắp lên được lửa khát vọng - Làm người rồi mới sinh tồn

 Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Fulbright. Là “thủ lĩnh” của nhóm Thứ Sáu – nhóm chuyên viên kinh tế đã tham gia một cách dũng cảm và hiệu quả vào công cuộc đổi mới kinh tế, ở ông hội đủ phẩm chất của một doanh nhân, tầm nhìn và sự quyết đoán của nhà nghiên cứu kinh tế, sự điềm tĩnh và kiên nhẫn cùng nỗ lực không ngừng nghỉ với trách nhiệm sâu sắc của một công dân…

Nhắc tới Phan Chánh Dưỡng, người ta thường biết tới vai trò nòng cốt của ông trong “Nhóm Thứ Sáu” – nhóm chuyên viên kinh tế đã tham gia một cách dũng cảm và hiệu quả vào công cuộc đổi mới kinh tế những năm 80, 90 của thế kỷ trước.

Một tờ báo giới thiệu ngắn gọn “ở ông, hội đủ phẩm chất của một doanh nhân, tầm nhìn và sự quyết đoán của nhà nghiên cứu kinh tế, sự điềm tĩnh và kiên nhẫn cùng nỗ lực không ngừng nghỉ với trách nhiệm sâu sắc của một công dân”.

Ông khởi đầu sự nghiệp với nghề dạy học – một thầy giáo dạy toán trường làng ở Cà Mau; đến khi nghỉ hưu, nghề dạy lại tiếp tục chọn ông. Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbight của Mỹ đặt ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã mời ông, một người “tay ngang” về bằng cấp để lên lớp cho các chương trình đào tạo thạc sĩ kinh tế.
Dạy học đủ cả cấp 1, 2, 3 rồi quay về với giáo dục đại học, Phan Chánh Dưỡng thấy mình may mắn

Nhưng, “suốt mấy chục năm tham gia vào xã hội, một thời gian ngắn của chế độ cũ và thời gian dài của chế độ mới cho đến khi nghỉ hưu, nếu tính thời gian thì mình chủ yếu làm kinh tế, không dám nói về chuyên môn giáo dục nhiều” – ông khiêm nhường nói vậy khi tôi đặt vấn đề câu chuyện giáo dục, dù trong buổi nói chuyện, ông luôn đưa ra những kiến giải sâu sắc về các câu chuyện thời sự giáo dục hiện nay: Mẹ Hổ làm rung nước Mỹ, đề án cải cách giáo dục 70.000 tỷ đồng, đề văn tiểu học gây tranh cãi…

‘Hiệu trưởng ngỗ nghịch”

Thưa ông, xuất phát điểm tại sao ông chọn nghề giáo?

 Phan Chánh Dưỡng: Tôi làm thầy giáo xuất phát từ điều hết sức đơn giản là thích ông giáo làng. Khi đó, ngôn ngữ và suy nghĩ của mình ở tầm trẻ thơ.

Nói đến kỹ sư, mình không biết là gì, nói đến bác sỹ, cũng không tưởng tượng ra. Còn ở trong làng, thì thầy giáo làng là người hiểu biết hơn cả, được kính trọng nhất và coi như đó mẫu mực đối với con người. Vậy là thôi thúc ước muốn và thành hình thôi (cười).


Thầy Phan Chánh Dưỡng và Thầy Trần Hoàng cùng đàm đạo về Nhân. 23/10/2021

Những ngày này, trường học cả nước đang tưng bừng khai giảng. Ngoài một số ít các trường sáng tạo những hoạt động gặp gỡ đầu năm cho học sinh, hầu hết các chương trình khai giảng đều được duyệt khá kỹ bởi cấp trên và theo một mô típ từ nhiều năm. Một chuyên viên tiểu học ở Sở GD-ĐT Hà Nội có lần chia sẻ rằng, chị rất muốn các trường làm cái gì đó để lễ khai giảng của các em có nhiều ý nghĩa, nhưng điều này không đơn giản.
Phan Chánh Dưỡng: Một vài năm sau giải phóng, tôi có làm hiệu trưởng tiểu học, Trường Minh Đạo, Trường Chính Nghĩa ở quận 5, TP.HCM.

 Khi đó, một học kỳ có 20 tuần lễ, tuần lễ đầu tiên là tuần lễ trật tự, rồi đến tuần lễ vệ sinh v.v… Mỗi tuần có một chủ đề, nội dung của 20 tuần tôi lên kế hoạch và dáng trong phòng giao viên ở trường để mọi cấp lớp thực hiện. Phòng Giáo dục hướng dẫn những cái này chặt chẽ lắm.

Nhưng tôi là một hiệu trưởng ngỗ nghich (cười). Phòng chỉ đạo như thế nào thì chỉ đạo, trường mình dựa vào đó làm kế hoạch nhưng trường cũng có chủ đề riêng, có khi kế hoạch trên thay đổi (có ngày lễ năm nay thay đổi không phải tổ chức).

Tôi thấy là, học sinh của mình mới quan trọng. Khi đặt trọng tâm khác thì ắt có phương pháp khác.

Nhưng trường tôi đã có kế hoạch. Có chủ đề tôi tổ chức. Ví dụ như viết văn và thi toán thì chúng tôi vẫn thực hiện. Chấm xong, bắt đầu dán thành tích học sinh lên tường làm cuộc triển lãm rồi mời ông phòng giáo dục xuống xem.

Tôi bỏ một tiết cho các lớp đưa các em đi xem thành tích, còn bản thân thì ngồi một góc quan sát các em đi coi sản phẩm có biểu lộ như thế nào. Những em có tên dán trên đó thì cứ coi nữa, coi nữa, hào hứng lắm.

Rõ ràng, triển lãm thành tích là để động viên học sinh, hiệu quả rất tốt. Triển lãm thành tích học sinh không phải để cấp trên xem, nên lãnh đạo không xuống xem cũng không ảnh hưởng gì.

Biểu hiện và cảm nhận của học sinh giúp tôi định vị lại phương pháp giảng dạy, còn lãnh đạo khen hay không, giá trị không cao.Tôi thấy là, học sinh của mình mới quan trọng. Khi đặt trọng tâm khác thì ắt có phương pháp khác.
Với ông, điều gì quan trọng hơn cả ở giáo dục tiểu học?

 
Thầy Phan Chánh Dưỡng và Mô hình Nhân Giáo Dưỡng | Humanity do thầy nghiên cứu kiến giải.
Ảnh: ngày 7/11/2022, tại VietnamMarcom – Nhan.Edu.Vn


Phan Chánh Dưỡng: Trẻ con chỉ cảm nhận những điều trước mắt nhưng quan hệ gần gũi như cha mẹ Ông bà, anh chị em. Đến trường là thầy cô bạn bè v.v….

Nhưng khi tới trường, các em đã được dạy ngay yêu nước, yêu đồng bào. Cái đó hoàn toàn đúng, nhưng trừu tượng. Tại sao lại đưa những điều quá trừu tượng dạy trẻ con? Đáng lẽ ra phải từ thực tiễn, nhưng quan hệ, những trách nhiệm gần gũi với các em.

Trẻ con phải được xác định tư duy về những chuẩn mực của con người. Gần nhất với trẻ là cha mẹ, anh em, bạn bè, thầy cô. Đó là những cái mà trẻ con cần thấy. Vậy mà chúng ta không dùng hình tượng  thật này để xác đinh trọng tâm giáo dục là giáo dục con người, lại đưa cái khác vào là làm xa dần và rỗng đi.

Giáo dục ban đầu phải là dạy làm người. Trong quá trình trưởng thành, đào tạo thêm bản năng sinh tồn đó là kỹ năng làm việc, mưu sinh, xây dựng lý tưởng cuộc sống v.v… Bản năng đó được xây dựng và đào tạo từng bước song song với việc rèn luyện đạo đức con người mà mình đã đặt viên vạch đầu tiên.

Cho đến ngày nay, hình như chúng ta chỉ quan tâm đến công cụ để sinh sống, khả năng để sinh sống bằng nghề nghiệp gì, sống như thế nào, còn cái cốt lõi là đạo đức của con người thì lờ mờ bỏ qua.

Hệ lụy là tạo ra cái vỏ khả năng, còn cái tâm của nó thì lờ mờ. Cuối cùng, cái vỏ thúc đẩy cái tâm, chứ không phải là cái tâm thúc đẩy cái vỏ.

Nếu xét như vậy thì chúng ta giáo dục cái gì? Chúng ta đã thoát ly bản chất mục đích của giáo dục.

Vậy theo ông, đâu là cái cốt lõi của con người?

Phan Chánh Dưỡng: Tôi muốn nhắc lại một câu Nho giáo của hai nhà đại nho nói về con người mà khi đánh giá, tưởng như nghịch nhau, nhưng lại gặp nhau trong nội dung giáo dục. Đó là Mạnh Tử và Tuân Tử.

 Mạnh Tử nói về con người “nhân chi sơ tính bản thiện”. Con người sinh ra lương thiện, nhưng môi trường đã quyết định con người đó. Còn Tuân Tử nói rằng “nhân chi sơ tính bản ác“, thiện tính hậu lai, nghĩa là cái tốt sau này rèn luyện mà thành.

Dù nhìn nhận con người ở hai khía cạnh khác nhau nhưng hai ông vẫn thống nhất với nhau một điều là giáo dục quyết định cho sự phát triển của con người một con người lương thiện hữu ích cho xã hội.

Ông đề cao Nho giáo?

Phan Chánh Dưỡng: Tôi không thiên về một đạo giáo nào, nhưng thấy cái gì hay thì học theo.

Mặc dù Nho giáo có nhiều vấn đề không thích hợp so với xã hội ngày nay do người ta đã bẻ cong những lý thuyết của nó để củng cố uy quyền của nhà thống trị, nhưng toàn bộ tư tưởng của Nho giáo là mối quan hệ hài hoà giữa một người với nhiều người, tạo ra giá đỡ luân lý cơ bản cho một xã hội, và có thể thay đổi, mở rộng theo từng thời kỳ.

Chữ “Nhân” trong Nho giáo xuyên suốt mối quan hệ giữa người và mọi người; giữa ta và cha mẹ; ta và anh em, ta và cộng đồng, ta và thầy, ta và vợ chồng.

Để nói rõ từng mối quan hệ trong nội dung chữ Nhân đó, người ta cụ thể ra như sau: Mối quan hệ giữa ta và cha mẹ gọi là Hiếu, mối quan hệ giữa ta và anh chị em là Đễ, mối quan hệ của ta và bạn bè là Nghĩa. Mối quan hệ giữa ta và cộng đồng đó là Trung v.v.

Tất nhiên, bây giờ, có thể không dùng chữ trung, chữ hiếu, nhưng bản chất  những mối quan hệ đó vẫn tồn tại và cần được giải quyết hài hòa.

Mục tiêu hàng đầu của giáo dục là đào tạo ra chuẩn mực con người, chứ không phải bỏ nhiều thời gian để đào tạo công cụ cho sự sinh tồn.

Vậy giáo dục là dạy cái gì, có phải là dạy xử thế đối với cha mẹ, bạn bè, tổ quốc, cộng đồng, đối với tất cả quan hệ? Phải giải quyết hài hòa quyền lợi và trách nhiệm các mối quan hệ đó để có được một xã hội phát triển bền vững.

Mục tiêu hàng đầu của giáo dục là đào tạo ra chuẩn mực con người, chứ không phải bỏ nhiều thời gian để đào tạo công cụ cho sự sinh tồn.

Do vậy, ở cấp mẫu giáo, tiểu học, vai trò giáo dục trước tiên phải là rèn luyện đạo đức học sinh. Đó là sự tiếp thu giáo dục đầu tiên của con người. Đây là điều hết sức quan trọng.

Từ trung học trở lên, giáo dục dần dần nhấn trọng tâm vào khả năng, và song song với khả năng đó thì cấy vào nội dung tư duy “trách nhiệm”. Trách nhiệm lớn dần theo khả năng. Những người càng giỏi thì thấy trách nhiệm với xã hội càng lớn.

Còn bây giờ, khi đào tạo con người đã yếu kém, hướng đào tạo lại thiếu đi phần “trách nhiệm”, nên tạo ra những con người dù có khả năng, bản lĩnh, nhưng chỉ biết đến chính bản thân mình, không biết đến cộng đồng, không có trách nhiệm với mọi người.

Hậu quả là cả xã hội này lãnh đủ tai ương vì nhưng kẻ có khả năng , có bản lĩnh nhưng thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm với gia đình, xã hội.

 Ông có thể nêu những hậu quả nào không?

Tôi còn nhớ mãi câu chuyện thế này. Năm 1974, tôi cùng với một người bạn, anh Dương Khánh Hưng, đang dạy cho trường điện tử, nói với nhau nguyên buổi sáng về giáo dục. Anh em bảo nhau, bây giờ bỏ tất cả những gì cao cả đi, nói cái thấp nhất là chuyện “tại sao mình phải đi dạy học”.

 Dạy học là một phương tiện sinh nhai. Nhưng còn một điều nữa, con người mình không những khổ đau bởi sự ngu xuẩn của bản thân mà còn phải gánh sự ngu xuẩn của cộng đồng.

Chính vì thế, ngoài chuyện sinh nhai, mình hãy cố gắng dạy được đạo lý. Thêm một người lương thiện thì cuộc sống của mình tốt hơn, để bớt cái cảnh mình không phải khổ về ngu dốt của mình mà còn khổ vì ngu dốt của người khác.

Trách nhiệm lớn dần theo khả năng. Những người càng giỏi thì thấy trách nhiệm với xã hội càng lớn.

Chúng tôi cứ vừa đi nói chuyện như vậy, phải đi qua một cái hẻm thì mới tới nhà anh ấy. Vừa tới đầu hẻm thì một tiếng pháo nổ lên. Ngay dịp Tết, trẻ con nghịch pháo, đặt pháo  trên cống. Nước cống văng tung tóe vào mặt chúng tôi. Anh Hưng giận dữ, tụi trẻ sợ quá, chạy vào hẻm trốn, anh rượt theo.

Tôi mới kéo lại, nói: “Anh ơi, mình vừa khổ sở vì cái ngu dốt của đứa trẻ đó, đừng cố để nhận thêm sự ngu dốt của cha nó, nếu chẳng may anh gặp phải người cha đang nhảy ra bênh con và đánh cho anh một trận” (cười).

 -Bây giờ đã là ông ngoại, với giáo dục trẻ em, ông có thêm trải nghiệm gì khác?

Cháu ngoại tôi rất thích xem phim trong máy tính vì lưu lại được, chứ không phát tuyến tính như trên ti vi. Nhưng nó sợ tắm.

Còn mỗi lần kêu đi tắm thì phải thương lượng, phải năn nỉ mới chịu. Tôi dạy cho nó đếm từ 1 đến 10. 1 là ăn cơm. 2 là đi tắm, 3 là xem phim, 4 là ngủ. Muốn được số 3 thì phải qua số 2. Nó thấm “trục tọa độ” thời gian 1, 2, 3, 4  rồi, từ đó, không phải thương lượng chuyện đi tắm nữa.

Có một điều tôi nghĩ hơi sâu. Đó là suốt thời kỳ từ khi trẻ còn nhỏ cho đến khi 12 tuổi, cố gắng khái quát cho được 2 trục tọa độ không gian và thời gian. Đó là kết cấu của tư duy của con người xã hội.

Không gian và thời gian là giá đỡ khả năng tư duy của trẻ trong tương lai, khi lớn lên, trẻ sẽ tiếp thu kiến thức, từ đó hình thành tư duy.

Với trục tọa độ thời gian, đứa trẻ biết được hôm qua, hôm nay và ngày mai. Trẻ con thường hỏi ai sinh ra mẹ? Tất nhiên câu trả lời sẽ là “bà ngoại”. Khi bé hỏi tiếp “ai sinh ra bà ngoại” thì đó là những đứa rất nhạy về trục thời gian.

Những đứa nhạy về trục không gian tức là nhận biết được hay sớm tò mò về thế giới xung quanh như cái nào lớn hơn cái nào, cái đó gần hay xa…

Tôi quan sát thấy, những đứa nhạy về trục thời gian và không gian thì vô cùng thông minh sau này.

Tôi vẫn cho rằng, với trẻ em, không vội cho cuốn sách vào cái tủ mà làm cái tủ trước, thì hay hơn. Hình thành cho trẻ con hệ tọa độ không gian và thời gian thì sẽ giúp trẻ con học 1 mà biết 2, 3.

Hạ Anh (Thực hiện)



Giáo dục phải thắp lên được lửa khát vọng – Làm người rồi mới sinh tồn

Để lại một bình luận

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X