Võ Văn Kiệt

Võ Văn Kiệt (23 tháng 11 năm 1922 – 11 tháng 6 năm 2008) tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, Chín Dũng; là một nhà chính trị Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau đó là Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 8 tháng 8 năm 1991 cho đến ngày 25 tháng 9 năm 1997. Ông được nhiều báo chí đánh giá là người đã đẩy mạnh công cuộc Đổi mới và cải cách chính sách ở Việt Nam kể từ năm 1986[1][2], là “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ Đổi mới…
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Thủ tướng Việt Nam
Nhiệm kỳ 8 tháng 8 năm 1991 – 25 tháng 9 năm 1997
Tiền nhiệm Đỗ Mười
Kế nhiệm Phan Văn Khải
Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Nhiệm kỳ Tháng 3 năm 1988 – Tháng 6 năm 1988
Tiền nhiệm Phạm Hùng
Kế nhiệm Đỗ Mười
Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam
Sinh 23 tháng 111922
Tỉnh Cửu Long (nay là Vĩnh Long)
Mất 11 tháng 62008 (85 tuổi)
Bệnh viện Mount ElizabethSingapore
Phu nhân Trần Kim Anh (mất 1966)
Phan Lương Cầm

Tiểu sử và hoạt động

Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa sinh năm 1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Longmiền Nam Việt Nam.[5]

Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi trong phong trào Thanh niên phản đế (1938), ông Kiệt được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11 năm 1939. Trong thời gian Khởi nghĩa Nam Kỳ ông là Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ tại huyện Vũng Liêm. Sau Cách mạng tháng Tám, khi quân đội Pháp tái chiếm Nam Kỳ, ông là Ủy viên chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ. Từ năm 1946 đến năm 1954, ông là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá, sau đó là Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Sau Hiệp định Genève, năm 1955, ông được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ và Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Từ năm 1959 đến cuối năm 1970, ông được giao trọng trách là Bí thư Khu ủy T.4, tức khu Sài Gòn – Gia Định. Ông bắt đầu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam từ Đại hội III (năm 1960). Từ năm 1973 đến năm 1975 ông được điều về làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ông được Trung ương Cục phân công giữ chức Bí thư Đảng uỷ đặc biệt trong Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn. Từ năm 1976 ông là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng được bầu vào Quốc hội Việt Nam khóa VI. Từ sau Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1976), ông được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 1982.

Từ tháng 4 năm 1982 ông được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó chủ tịch và Phó Chủ tịch thứ nhấtHội đồng Bộ trưởng. Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1988, ông giữ vị trí Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng qua đời đột ngột[6]. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII (tháng 8 năm 1991), ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (thay ông Đỗ Mười). Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX (1992-1997), ông được bầu làm Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Từ tháng 12 năm 1997 đến tháng 4 năm 2001, ông không còn giữ các chức danh trong chính phủ nhưng vẫn được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.[7]

Nghỉ hưu và qua đời

Sau khi từ giã chính trường, ông Kiệt sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 11 năm từ 1997 đến lúc mất, trước mỗi sự kiện nóng bỏng, quan trọng mang tầm quốc gia hoặc ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhân dân, lại thấy Võ Văn Kiệt lên tiếng với tư cách một người công dân[8]. Võ Văn Kiệt là cựu lãnh đạo Việt Nam đầu tiên công khai đặt vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc[4]. Ông cũng đã có ý kiến chính thức với lãnh đạo đất nước là nên đối thoại với những người bất đồng chính kiến[9], ông nói: “chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng”[10]. Và về việc bầu cử đại biểu Quốc hội ông cũng có nhận định: “Một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ”.[10]

Trong những năm cuối đời, ông phát biểu ý kiến, kiến nghị với các cơ quan đảng và nhà nước dồn dập hơn. Từ những vấn đề trọng đại như ý kiến đóng góp với Đại hội X, hoà hợp dân tộc, đến những kiến nghị, góp ý, phát biểu về những sự việc cụ thể như: quy hoạch về thành phố dọc sông Hồng, việc xây nhà Quốc hội… Những ý kiến của ông được trình bày thẳng thắn và chứa tâm huyết lớn với nước với dân. Dù được chấp nhận hay không, các ý kiến của ông đều rất quý, rất đáng trân trọng, phù hợp lòng dân và được người dân mong chờ, đón nhận.[11]

Võ Văn Kiệt đã lên tiếng trên công luận bày tỏ quan điểm lo ngại về các dự án như: nhà máy lọc dầu Dung Quất[12], thành phố bên sông Hồng[13], việc xây dựng tòa nhà quốc hội mới[14] và lần gần nhất là về vấn đề mở rộng Hà Nội[15]. Ông viết: “Thủ đô của cả nước, của cả dân tộc và cả của lịch sử. Không nên và không được phép đưa thủ đô làm nơi thí nghiệm cho bất cứ mục đích gì.” [16]

Bên cạnh đó, ông Kiệt còn bày tỏ rõ quan điểm ủng hộ sự tự do của báo chí đối với các tổ chức chính trị và chính quyền, quan điểm này được thể hiện rõ ở việc ông can thiệp vào sự kiện Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh thay thế các vị trí quản lý ở báo Tuổi Trẻ nhằm cài cắm người để quản lý.[17]

Ông Võ Văn Kiệt qua đời lúc 7 giờ 40 phút (giờ Hà Nội) [18] ngày 11 tháng 6 năm 2008, khi đang điều trị tại Bệnh viện Mount ElizabethSingapore[2][3]. Theo Reuters, ông qua đời do tuổi cao và bị viêm phổi cấp tính[2], còn theo AP thì ông qua đời do gặp tai biến mạch máu não.[1]

Báo chí Việt Nam chính thức thông báo về cái chết của ông vào tối ngày hôm sau, sau khi các hãng thông tấn quốc tế đã đưa tin và nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đã gởi lời chia buồn[19]. 18 giờ ngày 12 tháng 6 năm 2008Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo về cái chết của ông và việc tổ chức tang lễ cho ông với nghi thức quốc tang trong hai ngày 14 và 15 tháng 6[20]. Lễ viếng và lễ truy điệu của ông được tổ chức ở đồng thời ba nơi, Hội trường Thống Nhất (nơi đặt linh cữu của ông), thủ đô Hà Nội và trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long (quê hương ông), trưởng ban lễ tang nhà nước là ông Nông Đức MạnhTổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Lễ an táng được tổ chức vào ngày 15 tháng 6 tại nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh.[7]

Gia đình

Ông Võ Văn Kiệt có hai đời vợ. Người vợ đầu của ông, bà Trần Kim Anh, có với ông 4 người con: Phan Chí Dũng (sinh năm 1951), Phan Hiếu Dân (sinh năm 1955), Phan Thị Ánh Hồng (sinh năm 1958) và Phan Chí Tâm (sinh năm 1966)[21]. Năm 1966, bà cùng hai người con út, một trai một gái, đã thiệt mạng khi quân đội Hoa Kỳ bắn chìm tàu Thuận Phong trong một cuộc càn quét qua chiến khu Củ Chi[22]. Ông đã muốn khi chết, tro của mình được rải xuống khúc sông mà hai người con và người vợ của mình đã mãi nằm lại đó. Phan Chí Dũng, người con cả của ông, hi sinh trong Chiến tranh Việt Nam năm 20 tuổi trong một lần đi trinh sát. Ngoài 4 người con với người vợ đầu, ông còn một người con sinh năm 1952 ở miền Bắc tên là Phan Thanh Nam, người đã thay mặt gia đình đọc lời cảm tạ trong lễ tang ông.[21]

Người vợ thứ hai của ông là Giáo sư, Tiến sĩ Hóa học Phan Lương Cầm, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, bà Cầm từng được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng cao nhất dành cho các nhà khoa học nữ Việt Nam.[23][24]

Tặng thưởng

Tháng 12 năm 1997, ông Võ Văn Kiệt đã được trao tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra ông còn được trao tặng nhiều huân, huy chương khác và huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Ngày 22/2/2009, tên của ông được đặt cho một con đường dài 23,6 km chạy từ ngã tư Bình Long cắt quốc lộ 1A trên đường Nguyễn Hoàng qua nhà máy lọc dầu Dung Quất ra cảng Dung QuấtQuảng Ngãi.

Đường Võ Văn Kiệt

Ngày 29/4/2011, Sở Giao thông Vận tải và UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ đặt tên đường Võ Văn Kiệt cho Đại lộ Đông –Tây, một trong những tuyến đường hiện đại và quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông của TP Hồ Chí Minh. Đường Võ Văn Kiệt có tổng chiều dài hơn 13,42 km, kéo dài từ đoạn giao nhau giữa đường Hàm Nghi và đường Tôn Đức Thắng, thuộc bờ Tây sông Sài Gòn, quận 1 đến cầu vượt quốc lộ 1, huyện Bình Chánh. Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến Dự án xây dựng Đại lộ Đông-Tây cũng như luôn trăn trở và trực tiếp chỉ đạo về những chiến lược, giải pháp, công trình mang tính đột phá, đưa thành phố đi lên phát triển cùng cả nước.[25]

Dự án đại lộ Đông – Tây là công trình trọng điểm của hệ thống giao thông TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 21,89 km đi qua địa bàn 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố bắt đầu từ nút giao Tân Kiên, huyện Bình Chánh đến nút giao Cát Lái, quận 2, trong đó có một hầm vượt sông Sài Gòn dài 1.490 m. Dự án có tổng mức đầu tư 9.863 tỉ đồng. Trích từ baothintuc.vn của tác giả Hoàng Anh Tuấn số ra ngày Chủ Nhật, 01/05/2011

Câu nói nổi tiếng

Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả.[4]
Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào.[9]
Không ai chọn cửa mà sinh ra![26]
Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán các em.[27]
Thủ đô của cả nước, của cả dân tộc và cả của lịch sử. Không nên và không được phép đưa thủ đô làm nơi thí nghiệm cho bất cứ mục đích gì[28]
Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn

Chú thích

  1. a b BEN STOCKING. “Ex-Vietnamese prime minister Kiet dies”Associated Press. Truy cập 12 tháng 6.
  2. a b c Jerry Norton. “Reformist ex-Vietnam premier Vo Van Kiet dies”Reuters. Truy cập 12 tháng 6.
  3. a b “Tổ chức Quốc tang nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt”VnExpress12 tháng 6 năm 2008. Truy cập 12 tháng 6 năm 2008.
  4. a b c BBC phiên bản Việt ngữ, “Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời”BBC, 11 tháng 6 năm 2008. Truy cập 11 tháng 6 năm 2008.
  5. ^ Những công trình mang tên Võ Văn Kiệt Cổng thông tin UBND tỉnh Vĩnh Long. Truy cậpg ngày 2 tháng 5 năm 2011.
  6. ^ “CÁC THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TIỀN NHIỆM”. Trang tin Thủ tướng Chính Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
  7. a b Ban Thời sự. “THÔNG CÁO ĐẶC BIỆT”Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập 12 tháng 6.
  8. ^ “Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo kiệt xuất thời kỳ Đổi mới”VietNamNet11 tháng 6 năm 2008. Truy cập 12 tháng 6 năm 2008.
  9. a b BBC phiên bản Việt ngữ, “Ông Kiệt: “nên đối thoại sòng phẳng””BBC, 14 tháng 6 năm 2008. Truy cập 14 tháng 6 năm 2008.
  10. a b BBC phiên bản Việt ngữ, “BBC phỏng vấn ông Võ văn Kiệt”. Truy cập 14 tháng 6 năm 2008.
  11. ^ Việt Nam Net“Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo kiệt xuất thời kỳ Đổi mới”. Truy cập 11 tháng 6 năm 2008.
  12. ^ Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt góp ý cho dự án Dung Quất
  13. ^ Xây dựng thành phố dọc sông Hồng: Phải hết sức cân nhắc, Phỏng vấn tại báo Tuổi trẻ, 20/09/2007
  14. ^ Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt góp ý về Nhà Quốc hội
  15. ^ Võ Văn Kiệt, Mở rộng Hà Nội: Không thể chỉ là một ý tưởng cảm tính, Báo Tuổi trẻ, 05/05/2008
  16. ^ Võ Văn Kiệt: Không được phép đưa thủ đô làm nơi thí nghiệm.
  17. ^ Vụ báo Tuổi Trẻ: ông Võ Văn Kiệt lên tiếng, Bài viết trên diendan.org, 24/08/2007
  18. ^ “Theo BBC và các hãng truyền thông nước ngoài thì ông từ trần lúc 6h40 giờ Singapore tức 5h40 giờ Việt Nam”BBC, 14 tháng 6 năm 2008. Truy cập 14 tháng 6 năm 2008.
  19. ^ “Báo VN đợi đưa tin về ông Võ Văn Kiệt”BBC Tiếng Việt, 12 tháng 6 năm 2008. Truy cập 19 tháng 6 năm 2008.
  20. ^ “Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần”Báo Tuổi trẻ12 tháng 6 năm 2008. Truy cập 12 tháng 6 năm 2008.
  21. a b Huy Đức, “Từ nỗi đau của ông, Võ Văn Kiệt”Báo Tuổi trẻ, 16 tháng 6 năm 2008. Truy cập 17 tháng 6 năm 2008.
  22. ^ BBC phiên bản Việt ngữ, “BBC phỏng vấn ông Võ văn Kiệt”BBC, 11 tháng 6 năm 2008. Truy cập 11 tháng 6 năm 2008.
  23. ^ “Thành quả khoa học – công nghệ nổi bật”Trang chủ của Đại học Bách khoa Hà Nội, 11 tháng 6 năm 2008. Truy cập 11 tháng 6 năm 2008.
  24. ^ “Khai mạc Duyên dáng Việt Nam 14: Lộng lẫy những nhịp điệu dân tộc”Báo Thanh Niên, 7 tháng 1 năm 2005.
  25. ^ “Chính thức đặt tên đường Võ Văn Kiệt cho Đại lộ Đông – Tây”HCM CityWeb, 29 tháng 4 năm 2011. Truy cập 30 tháng 4 năm 2011.
  26. ^ Bùi Thanh“Không ai chọn cửa mà sinh ra!”Tuổi Trẻ, 14 tháng 6 năm 2008. Truy cập 14 tháng 6 năm 2008.
  27. ^ Phát biểu tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh lần I (tổ chức từ ngày 3/7 – 10/7/1977).[cần dẫn nguồn]
  28. ^ Võ Văn Kiệt, “Không được phép đưa thủ đô ra thí nghiệm”vnexpress, 30/4/2008. Truy cập 20/10/2010.

Nguồn Wikipedia

Để lại một bình luận

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X