Minh chứng cho một nhân cách lớn, một tấm gương sáng

ANTD.VN  “Bản đồ hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ”

Nhà báo Dương Thành Truyền – Chủ tịch NXB Trẻ, người có sáng kiến thực hiện “Bản đồ hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ” cho biết, ý tưởng tấm bản đồ xuất phát từ lòng kính phục vô bờ bến đối với một hành trình vĩ đại của một lãnh tụ vĩ đại.

Hành trình thay đổi lịch sử

Ông Dương Thành Truyền cho biết: “Trong lịch sử của nhân loại không có nhiều những vĩ nhân, lãnh tụ mà hành trình của họ, bước chân của họ có thể làm thay đổi lịch sử dân tộc hay thế giới. Bác Hồ của chúng ta là một trong những vĩ nhân như thế. Nếu tính từ 5-6-1911 cho đến 28-1-1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 30 năm theo đuổi một hành trình mang tính khoa học và tinh thần cách mạng để tìm đường cứu nước, tìm con đường giải phóng dân tộc, tìm con đường phát triển đất nước Việt Nam về sau. Hành trình đó góp phần quan trọng để biến dân tộc chúng ta từ một dân tộc nô lệ, lầm than dưới ách thực dân đô hộ trở thành một nước độc lập, tự do, ngày có vị thế trên bản đồ địa chính trị thế giới.

Hành trình của Bác thật sự đáng để mọi thế hệ theo gương, học tập bởi minh chứng rõ cho một nhân cách lớn, một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, vì nước vì dân. Hành trình này cần được thể hiện, trình bày, diễn đạt theo hình thức đặc biệt, ấn tượng và xứng đáng nhất, giúp cho mọi thế hệ người Việt, đặc biệt là những người trẻ biết đến để noi theo.

Từ sách đến bản đồ

Trong vai trò là một người làm trong lĩnh vực xuất bản, ông Dương Thành Truyền đánh giá các tài liệu, sách vở, công trình nghiên cứu về Bác Hồ và hành trình vĩ đại ra đi tìm đường cứu nước của Bác chúng ta đã có rất nhiều. Với NXB Trẻ – đơn vị này có vinh dự thực hiện và xuất bản bộ sách “Di sản Hồ Chí Minh” từ suốt 22 năm qua (1999-2021) với hàng chục tựa sách đặc sắc rất được bạn đọc ủng hộ (tái bản rất nhiều lần). Trong đó, có tác phẩm “Hành trình theo chân Bác” của tác giả Trần Đức Tuấn đã in ấn bản đầu tiên nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (2011) và bản in mới nhất năm 2021.

“Từ tác phẩm “Hành trình theo chân Bác”, đội ngũ cán bộ, nhân viên NXB Trẻ đã thực hiện một tấm bản đồ chi tiết với mong muốn giúp cho công chúng và bạn đọc gần xa có thể chiêm ngưỡng, hình dung, cảm nhận hành trình vĩ đại của một con người vĩ đại. Khi chúng ta nhìn tấm bản đồ này, chúng ta hết sức kính phục Bác Hồ năm xưa đã trải qua gian nan, vất vả như thế nào trên con đường tìm đường cứu nước. Đồng thời chúng ta cũng thấy được sự dũng cảm, ý chí, nghị lực và tinh thần cách mạng của lãnh tụ đã dùng tất cả tâm sức để tìm ra con đường giải phóng và đưa dân tộc ta đi lên sánh vai với thế giới” – ông Truyền cảm động nói.

Khối lượng thông tin đồ sộ trên một trang giấy

Chia sẻ về quá trình thực hiện tấm bản đồ, ông Dương Thành Truyền cho hay, những người thực hiện muốn dùng phương pháp thị giác để có thể tái hiện một cách trực quan, sinh động, toàn cảnh hành trình của Bác Hồ trong 30 năm đi khắp thế giới. Ông Truyền chia sẻ: “Có thể nói công trình nghiên cứu của nhà biên kịch Trần Đức Tuấn thông qua cuốn sách “Hành trình theo chân Bác” đã rất kỳ công, khoa học. Vậy nên công việc của tác giả và đội ngũ biên tập viên NXB Trẻ là làm sao tái hiện một cách đầy đủ nhất những dữ liệu lịch sử bằng phương pháp thị giác, kết nối lại thành một hành trình chung đảm bảo tính chính xác thực tế và dễ nhìn, sưu tra. Có những đoạn ráp nối ban đầu chưa khớp về thời gian, địa điểm… thì chúng tôi phải trao đổi, thảo luận kỹ, đồng thời phải xử lý đối chiếu rất nhiều tài liệu khác nhau để đạt được sự chính xác. Trong một vài trường hợp, chúng ta hiện tạm chấp nhận sự giả định hoặc suy đoán. Vì vậy, tâm bản đồ trong lần in đầu tiên này là phiên bản tốt nhất ở thời điểm hiện tại, nhưng lại mở ra một đề tài rất lý thú để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm dữ liệu và bổ sung hoàn chỉnh cho những lần in sau”.

Để tấm bản đồ chứa được khối lượng thông tin đồ sộ “chỉ trên một trang giấy”, đại diện NXB Trẻ miêu tả: “Về kỹ thuật, chúng tôi sử dụng màu sắc, đường nét, chữ số khác biệt để thể hiện những hành trình trên bộ hoặc trên biển; để thể hiện 10 chặng đi của Bác trong 30 năm, với hơn 80 điểm đến theo từng thời điểm cụ thể. Trong đó có những điểm đến mà Người đã đi lại rất nhiều lần. Biên tập viên Nguyễn Phan Nam An có sáng kiến thực hiện một đồ thị thời gian (timeline) để các điểm đến, các cột mốc thời gian tương ứng và nội dung hoạt động tóm tắt của Bác trong thời gian và địa điểm đó được thể hiện khoa học, sinh động và hiện đại, từ đó giúp cho bạn đọc có thể có được cái nhìn toàn cảnh về hành trình của Bác theo cả không gian và thời gian.

Một vấn đề nữa là chọn bản đồ địa lý thế giới xưa hay nay để thể hiện hành trình. Bác Hồ ra đi năm 1911, lúc đó Thế chiến 1 chưa bắt đầu. Khi Bác trở về nước năm 1941 thì thế giới bước vào Thế chiến 2. Bản đồ chính trị thế giới thay đổi rất nhiều, đến nay lại càng thay đổi sau nhiều biến động. Cuối cùng, chúng tôi quyết định là chọn bản đồ thế giới hiện đại để bạn đọc hôm nay có thể dễ dàng hình dung, tìm đến, nhận diện những nơi mà Bác đã đi qua”.

Để lại một bình luận

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X