Chiếc chuông cổng nhà thầy Hiếu

Đơn giản, mộc mạc, lặng lẽ khép mình bên góc cửa nhưng làm việc không bao giờ nghỉ.

Chiếc chuông cổng nhà thầy Hiếu!
Là học trò đã hơn một lần đến nhà thăm thầy Hiếu, chắc các bạn không ai quên được cái chuông gọi cổng nhà Thầy? Đó là một chiếc chuông đồng thô, mộc mạc mà tiếng ngân của nó vẫn còn vọng mãi đến bây giờ trong tôi, mặc dầu Thầy đã ra đi về bên kia cõi vĩnh hằng.
 
Đơn giản, mộc mạc, lặng lẽ khép mình bên góc cửa nhưng làm việc không bao giờ nghỉ. Đó là hình ảnh chiếc chuông cổng nhà thầy Hiếu.
Lần đầu tôi đến nhà Thầy là vào những năm 80. Lúc đó, tôi còn làm việc tại Đalạt. Mỗi lần về Sài Gòn, cho dù đi công việc hay đi chơi, cứ có thời gian trống là tôi tìm đến thăm Thầy. Những năm đó, tuy cuộc sống còn vất vả, kiêng khem, nhưng nhà ai cũng đã xài quen cái chuông gõ bằng lực hút của nam châm điện từ vài chục năm trước đó. Tuy nhiên nhà Thầy vẫn xài chiếc chuông đồng đúc, giật bằng dây thật thô sơ mà thật khác biệt. Chỉ cần kéo cái khoen kim loại đặt trên bờ cao cánh cổng, dây chuông sẽ làm nghiêng chuông. Thả khoen ra chiếc chuông chao đi chao lại hai bên điểm cân bằng sẽ tạo ra tiếng ngân thanh thoát từ quả chuông đập vào thành chuông. So với tiếng chuông điện rộn ràng, khuấy động, tiếng chuông này thật là khiêm cung, thật hàm ý. Tiếng chuông hầu như bị chìm hẳn giữa tiếng ồn của dòng xe cộ ngoài đường. Nhưng học trò của Thầy vẫn nghe nó rất rõ. Và bởi thế không cần phải kéo đến lần thứ hai vì ngỡ rằng chuông chưa kêu. Lần nào cũng vậy, nếu có hẹn trước, chưa đầy một phút, đã thấy Thầy xuất hiện trên balcon, vẫy tay báo cho học trò biết là Thầy đã nghe chuông. Ra mở cổng đón tôi, Thầy nói:
 
“Nghe tiếng chuông tôi biết ngay là cậu đến”.
 
Tôi vẫn còn nhớ như in những lần Thầy ra mở cổng cho tôi. Thầy luôn xuất hiện với áo chemise, quần tây chỉnh tề.  Chưa bao giờ thấy Thầy mặc pyjama chứ nói gì đến áo thun, quần tà lỏn theo thói quen của dân xứ nóng. Vừa mở cánh cổng ra là Thầy nép qua một bên, dang cánh tay rộng “Mời Nguyên vô nhà”. Dáng Thầy nhỏ nhắn, nét mặt Thầy tươi mà nghiêm. Ân cần chỉ tôi chỗ dựng xe và khép cổng lại.
 
“Thưa Thầy, sao Thầy biết là em gọi chuông?”
“Tại vì phần đông học trò của tôi thường chỉ giật một lần chuông và chờ. Mấy ông bưu tá hoặc nhà đèn thường giật liên hồi”
 
Thế đấy.! Qua tiếng gọi chuông Thầy nhận ra được học trò. Tôi hơi lấy làm chột dạ. Chuông cơ học đặc biệt hơn chuông điện ở chỗ là tiếng chuông khác nhau tuỳ thuộc sức mạnh mình tác động khi giật chuông. Liệu tôi giật chuông có mạnh lắm không? Có hối thúc lắm không? Còn ngược lại, học trò chúng tôi thì sao? Qua tiếng chuông, chúng tôi nghe được những âm ngân nào từ phía Thầy? Là học trò thầy Hiếu, thật là thiếu sót, nếu không biết cách nghe tiếng chuông cổng nhà Thầy. Tôi đã đến gọi chuông nhà Thầy khá nhiều lần, thế mà đến bây giờ Thầy đã khuất bóng, tôi mới có dịp hồi lắng lại tiếng chuông ấy để nghe Thầy rõ hơn.
 
Thầy rất hiếu khách, đặc biệt là với học trò. Rất hiếm lần tôi đến gọi chuông mà phải chờ đợi lâu. Chiếc chuông được đặt ngay mép tường sau cánh cổng. Người giật chuông dễ nghe rõ mà người trong nhà có thể không nghe. Mỗi lần có hẹn với học trò, tôi đoán là trong khi chờ đợi giờ hẹn đến, Thầy vẫn gióng tai về chiếc chuông này. Có vậy nên khi chuông vừa ngân là đã thấy Thầy với tư thế sẵn sàng xuất hiện trên balcon. Thầy luôn hào phóng quỹ thời gian của mình cho học trò đến thăm. Những câu chuyện công việc, những trăn trở hướng đi, những tâm tư tình đời thường được Thầy lắng nghe chăm chú. Và sau đó là những lời khuyên, những chia sẻ thật quý báu từ Thầy. Mỗi lần đến thăm Thầy là mỗi lần tôi được rất nhiều.
 
Như tiếng chuông, Thầy sống rất bình dị. Nói chuyện với Thầy, tôi muốn học được phong cách sống bình dị này. Học cách sống như một người bình thường nhưng không tầm thường. Nói là bình thường nhưng muốn được như vậy rất khó. Ai cũng muốn xài chuông điện, vừa tiện dụng, vừa hiện đại. Trong khi chuông giật thì vừa rềnh ràng vừa khó nghe. Sống mà buông xuôi theo những cám dỗ vật chất bao giờ cũng dễ dàng hơn là sống mà tìm giữ cái giá trị nhân bản bên trong mình. Cái giá trị ấy được truyền từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên cho đến mình. Làm sao giữ được sự thăng bằng giữa ý thức và bản năng cũng như tiếng chuông giật vừa đủ nghe, không rộn rã, không hối thúc. Thầy vẫn từng khuyên sinh viên ra trường phải đi tìm học kinh nghiệm của người nông dân, vì kiến thức ở trường của mình chưa đủ để làm việc. Phải sống bình dị bạn mới đủ kiên trì đi thâu lượm những kinh nghiệm mồ hôi xương máu ấy. Nếu không đánh giá được giá trị của những kinh nghiệm ấy, bạn chỉ cần khuấy rộn lên một tràng chuông điện từ mớ kiến thức màu xám có được trong bốn năm ở nhà trường. Mớ kiến thức bóng bẩy ấy có thể làm nhà nông choáng ngợp, thán phục bạn, nhưng chưa chắc nó đã thấm sâu vào thực tiễn sản xuất của họ như tiếng chuông cổng nhà Thầy, rất hàm ý, rất có hồn và truyền cảm.
 
Tôi rất thích tiếng chuông này. Có đôi lần tôi định đi tìm mua một cái gắn ở cổng nhà mình. Nhưng sau đó tôi lại thôi. Tiếng chuông ấy chỉ là biểu hiện bên ngoài từ bản chất bên trong của Thầy. Tôi phải rèn giũa từ bên trong mình cho đến khi tự cảm thấy xứng đáng được xài một cái chuông giật bình dị như chiếc chuông cổng nhà thầy Hiếu.
 
Võ Hoàng Nguyên

Để lại một bình luận

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X