‘Harry Potter’ – Hiện tượng văn hóa đại chúng suốt hai thập kỷ

"Harry Potter" khơi dậy văn hóa đọc toàn cầu

Năm 2017 đánh dấu hai thập kỷ kể từ khi tác giả J.K. Rowling (Anh) xuất bản tập truyện đầu tiên về cậu bé phù thủy. Đến nay, Harry Potter không đơn thuần là một tác phẩm văn học mà tạo nên cơn sốt từ truyện đến phim, mang lại những ảnh hưởng tích cực về văn hóa đại chúng toàn cầu.
 
“Harry Potter” và những con số ấn tượng của ngành xuất bản
Năm 1997, Bloomsbury – một nhà xuất bản nhỏ ở Anh – phát hành Harry Potter và hòn đá phù thủy (tập đầu tiên của loạt truyện) với số lượng 500 cuốn. Một năm sau đó, tác phẩm được Scholastic mua bản quyền phát hành ở Mỹ.

Đến nay, bảy tập trong series bán được 500 triệu bản – trở thành series sách bán chạy nhất lịch sử – và được dịch ra 73 thứ tiếng. Phần kết – Harry Potter và bảo bối tử thần xuất bản ngày 21/7/2007 – nhanh chóng được tiêu thụ 15 triệu bản toàn thế giới chỉ trong 24 giờ.
  
J.K. Rowling (tên thật: Joanne Rowling) sinh năm 1965 trong một gia đình nghèo khó ở Anh. Năm 1991, bà chuyển đến Bồ Đào Nha sau khi mẹ qua đời. Lúc này, Rowling đã bắt đầu viết Harry Potter được sáu tháng. Nữ tác giả từng chia sẻ tiếc nuối vì mẹ của bà chưa được biết về tác phẩm.

Ở Bồ Đào Nha, Rowling làm giáo viên dạy tiếng Anh. Bà gặp gỡ và kết hôn với một người đàn ông bản xứ và có một bé gái. Tuy nhiên, Rowling nhanh chóng ly hôn sau hơn một năm. Bà cùng con trở về Anh với hành trang là ba chương truyện Harry Potter. Ở Edinburgh, hai mẹ con Rowling sống trong căn hộ chật hẹp và dựa vào trợ cấp của nhà nước. Bà dành toàn bộ thời gian để viết Harry Potter trong quán cà phê khi con gái ngủ ở chiếc xe nôi bên cạnh.

Trong Harry Potter, J.K Rowling miêu tả về quyền năng của những cây đũa thần trong thế giới phép thuật. Trong cuộc sống, bà quan niệm “cây đũa phép” nằm trong tay mỗi người, ai cũng có khả năng tạo ra “phép màu” nếu biết khai thác sức mạnh nội tại của chính mình.

 

Harry Potter ban đầu bị 12 nhà xuất bản từ chối, trong đó có các đơn vị nổi tiếng như Penguin, Simon & Schuster… Cuối cùng, Bloomsbury đồng ý phát hành cuốn sách chỉ vì con gái vị giám đốc muốn đọc hết bản thảo này. Ngay cả khi đã nhận được hợp đồng, biên tập viên vẫn khuyên Rowling nên từ bỏ nghiệp viết và kiếm một công việc ổn định.

Khi nhà xuất bản ở Mỹ mua cuốn đầu tiên của series, họ đã yêu cầu tác giả Joanne Rowling đổi tên thành chữ viết tắt J.K Rowling. Đơn vị này cho rằng các cậu bé Mỹ sẽ không hứng thú với cuốn sách fantasy do một nhà văn nữ viết. Tuy nhiên, tác phẩm đã nhanh chóng mang lại những thành công đáng kinh ngạc.

Doanh thu lớn từ truyện, phim và các sản phẩm ăn theo giúp Rowling giàu lên nhanh chóng. Năm 2011, bà vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes. Hiện bà là nhà văn duy nhất từng có mặt trong danh sách này. Năm 2004, J.K. Rowling cũng lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time. 

Trong Harry Potter, J.K Rowling miêu tả về quyền năng của những cây đũa thần trong thế giới phép thuật. Trong cuộc sống, bà quan niệm “cây đũa phép” nằm trong tay mỗi người, ai cũng có khả năng tạo ra “phép màu” nếu biết khai thác sức mạnh nội tại của chính mình.
 
 Bảo tàng Harry Potter tại London, Anh.
 
“Harry Potter” khơi dậy văn hóa đọc toàn cầu
Ngay từ tập đầu, Harry Potter đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. The Mail on Sunday nhận định đây là tác phẩm xuất sắc dành cho trẻ em. Các chuyên gia của tờ báo ví J.K Rowling với người kể chuyện cho trẻ em kiệt xuất Roald Dahl – tác giả cuốn Charlie và nhà máy chocolate. Cây bút Sameer Rahim của tờ The Daily Telegraph cho rằng Harry Potter đưa độc giả trở về tuổi thơ. Cảm giác ấy tương tự khi đọc những cuốn sách vĩ đại như Oliver Twist hay A House for Mr Biswas. Ông vua trinh thám kinh dị Stephen King cũng đánh giá cao khả năng tưởng tượng, sức sáng tạo của Rowling. 

Không chỉ là tác phẩm văn học xuất sắc, Harry Potter có ảnh hưởng tích cực đến văn hóa đọc và lối sống của giới trẻ khắp nơi trên thế giới. Khảo sát của Renaissance Learning (Mỹ) cho thấy Harry Potter là cuốn sách được trẻ em ở Anh tìm đọc nhiều nhất. Nhiều cô cậu bé tin rằng chúng sẽ lớn lên lương thiện, mạnh mẽ… như các nhân vật trong truyện. Việc người hâm mộ thế giới buồn bã trước cái chết của một người tốt hay thể hiện sự chán ghét với cái ác cũng mang lại những hiệu quả tốt về mặt nhận thức của mỗi cá nhân. 

Theo Business Insider, giáo sư tâm lý học đầu ngành Adam Grant cho rằng Harry Potter đã giúp hàng triệu độc giả nhỏ học được những kỹ năng xã hội và cách điều khiển cảm xúc. Câu chuyện về cậu bé phù thủy cũng gửi gắm nhiều bài học về thái độ đối với những người nhập cư, tị nạn hoặc đồng tính… Grant nhấn mạnh thêm Rowling là hình mẫu có khả năng truyền cảm hứng và có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới. 

Có thể nói Harry Potter đã làm hồi sinh sức sống của dòng tiểu thuyết viễn tưởng dành cho thanh thiếu niên. Cuốn sách mở đường cho nhiều tác phẩm cùng thể loại sau này như Twilight, The Hunger Games…
 
Harry Potter bỡ ngỡ khám phá thế giới phù thủy trong phần đầu tiên.
Khi Harry Potter được hãng Warner Bros đưa lên màn ảnh rộng, thế giới phù thủy của J.K. Rowling trở nên sống động, kỳ vĩ hơn bao giờ hết. Series phim chuyển thể từ truyện đã thu về khoảng 8,2 tỷ USD. Trong đó, Harry Potter và bảo bối tử thần 2 đạt doanh thu hơn 1,3 tỷ USD.

Dan Fellman – giám đốc phân phối tại Mỹ của Warner Bros – chia sẻ trong hơn một thập kỷ sản xuất phim, điều êkíp đặt lên hàng đầu là sự hài lòng của khán giả và những nhà phê bình, đặc biệt là các fan trung thành của Harry Potter. Bà Veronika Kwan-Rubinek, giám đốc phân phối toàn cầu của hãng này, nhận định: “Harry Potter thực sự đã trở thành một trào lưu văn hóa mới có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp thế giới. Dù là người Đức, Pháp, Nhật, Nga hay bất cứ đất nước nào, khán giả đều yêu mến và cổ vũ Harry Potter suốt nhiều năm qua”. 

Phim còn chắp cánh cho nhiều tài năng điện ảnh. Ngoài bộ ba nhân vật chính Daniel Radcliffe (Harry Potter), Rupert Grint (Ron Weasley), Emma Watson (Hermione Granger), các diễn viên khác như Maggie Smith (Minerva McGonagall), Tom Felton (Draco Malfoy), Robbie Coltrane (bác Hagrid), Alan Rickman (Severus Snape), Michael Gambon (hiệu trưởng Albus Dumbledore)… cũng để lại nhiều ấn tượng. 
 
 Harry Potter và những người bạn chiến đấu với Chúa tể Hắc ám Voldemort

“Muggle” được dùng trong bộ truyện để chỉ người không có khả năng sử dụng pháp thuật và không được sinh ra trong thế giới phù thủy. Năm 2002, từ này được đưa vào từ điển tiếng Anh Oxford với nghĩa “người khiếm khuyết hoặc thiếu một khả năng nào đó”.

Tháng 4/2017, từ “Quidditch” cũng được đưa vào từ điển với nghĩa gốc là môn thể thao của thế giới phù thủy trong Harry Potter.

Một số từ như “Potterhead” (người hâm mộ Harry Potter), “Wrock” – viết tắt của “Wizard rock” (những ban nhạc được lập ra với tên gọi, hình ảnh và lời bài hát liên quan đến thế giới của Harry Potter) hay từ “Horcrux” (trường sinh linh giá) đang được Oxford cân nhắc đưa vào từ điển.

Hà Thu / VnE

Để lại một bình luận

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X