Đến từ một quốc gia rất nhỏ bé ở Đông Nam Á, nhưng cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới. Ông Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng Singapore từ năm 35 tuổi và liên tục tái đắc cử, nắm quyền trong suốt hơn 40 năm cho đến tận năm 1990. Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923 tại Singapore, thuộc thế hệ thứ ba người nhập cư từ Trung Quốc. Ông đã có một thời gian ngắn sống trong căn nhà hiện nằm trên đường Neil Road này của Singapore. Thời đó, đảo quốc sư tử nằm dưới sự cai trị của thực dân Anh, đồng nghĩa với việc Lý Quang Diệu là một công dân Anh và sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Phải đến ngoài 30 tuổi ông mới nói tiếng Trung Quốc. Lý Quang Diệu theo học tại một trường Anh ở Singapore và là học sinh có thành tích học tập cao nhất ở Singapore và Malaysia vào thời đó. |
10 câu nói để đời của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu
Theo bizlive.vn
Phong cách lãnh đạo độc đáo của Lý Quang Diệu
Đến từ một quốc gia rất nhỏ bé ở Đông Nam Á, nhưng cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới.
Ông Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng Singapore từ năm 35 tuổi và liên tục tái đắc cử, nắm quyền trong suốt hơn 40 năm cho đến tận năm 1990. Học giả Mỹ Gerry Smedinghoff mô tả ông Lý Quang Diệu là “nhà lãnh đạo hình mẫu của thế kỷ 21” và “nhà lãnh đạo chính trị thời bình vĩ đại nhất trong thế kỷ 20”.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đánh giá ông Lý Quang Diệu là “một trong những nhân vật vô song trong lịch sử”.
Đó không phải là đánh giá quá đáng đối với người đàn ông đã biến Singapore từ một hải cảng nhỏ bé, hoàn toàn không có tài nguyên trở thành một trong những quốc giàu có, an toàn và ổn định nhất thế giới. Rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới từng công khai bày tỏ mong muốn được học tập tài lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair từng gửi một nhóm nghiên cứu tới Singapore để học hỏi các chương trình hưu trí và tiết kiệm của nước này. Bởi phần lớn những gì Singapore có được ngày nay đều nhờ vào tài lãnh đạo phi thường của ông Lý Quang Diệu.
Nhà lãnh đạo thẳng thắn
Các chuyên gia và những người từng tiếp xúc với ông Lý Quang Diệu thường mô tả ông là một nhà lãnh đạo có phong cách rất phương Tây dù ông xuất thân từ một gia đình gốc Hoa. Ông không bao giờ vòng vo tam quốc mà luôn thẳng thắn, trực tiếp, nghĩ gì nói nấy.
Ví dụ, khi đất nước Singapore mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn, ông Lý Quang Diệu cương quyết không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
“Tôi tin rằng dân tộc ta không thể mang tư tưởng dựa dẫm nước ngoài. Nếu muốn thành công chúng ta phải tự lực”.
Ông Lý Quang Diệu nói với người dân về việc không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Ngày 9-9-1967 khi nói chuyện với các công nhân Singapore, ông Lý Quang Diệu thẳng thừng cảnh báo: “Thế giới không nợ gì chúng ta cả. Chúng ta không thể sống bằng chén cơm ăn mày”.
Khi giải thích với người dân lý do các quan chức chính phủ phải hưởng mức lương cao, ông Lý Quang Diệu nói một cách rất đơn giản: “Mức lương thấp chỉ thu hút những kẻ đạo đức giả, miệng hô to khẩu hiệu rằng muốn phục vụ nhân dân, nhưng khi lên nắm quyền thì lập tức thể hiện rõ bản chất và phá hoại đất nước”. Mục tiêu của ông là đảm bảo xây dựng một chính phủ trong sạch và trung thực.
Có lần một nhà báo hỏi ông Lý Quang Diệu rằng ông nghĩ gì khi bị chỉ trích là can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của người dân Singapore. Ông trả lời một cách quyết liệt: “Nếu tôi không làm như thế thì chúng tôi đã không có ngày hôm nay, đã không thể tiến bộ về kinh tế. Tôi nói như vậy mà chẳng có gì hối tiếc cả”.
Ông khẳng định thêm: “Nếu chúng tôi không can thiệp vào những vấn đề cá nhân như hàng xóm của bạn là ai, bạn sống thế nào, bạn gây ồn ra sao, nhổ bậy hay ăn nói như thế nào… Chúng tôi quyết định điều gì là đúng và không cần biết người dân nghĩ gì”.
Ông Lý Quang Diệu từng tự hào nói: “Tôi từng bị buộc nhiều tội, nhưng kể cả kẻ thù tồi tệ nhất cũng chưa bao giờ buộc tội tôi là không dám nói thẳng suy nghĩ của mình”.
Không ít người cảm thấy bị sốc vì sự thẳng thắn của ông Lý Quang Diệu. Nhưng học giả Smedinghoff và đa số chuyên gia đều cho rằng phẩm chất đó đã giúp ông Lý Quang Diệu giành được niềm tin của người dân Singapore. Họ hiểu rằng họ có thể tin tưởng vào vị thủ tướng đầu tiên của đất nước.
“Có bao nhiêu nhà lãnh đạo đủ dũng khí để nói ra rõ ràng những suy nghĩ của mình như vậy?” – học giả Smedinghoff đặt câu hỏi.
Thủ tướng vì dân
Giáo sư Andrew Dubrin thuộc Viện Công nghệ Rochester (Mỹ), một chuyên gia về tổ chức và quản trị, đánh giá ông Lý Quang Diệu là hình mẫu của thủ tướng phục vụ nhân dân.
Đó là nhà lãnh đạo đặt lợi ích của đất nước và nhân dân trước lợi ích của bản thân. Ông luôn thể hiện sự quan tâm đến đời sống của người dân, các tiêu chuẩn kinh tế, xã hội và giáo dục của đất nước.
Một ví dụ cụ thể là khi ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền vào năm 1959, đất nước Singapore phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn. Đó là tỉ lệ thất nghiệp cao, người dân thiếu nhà trầm trọng, nạn tham nhũng hoành hành. Ông Lý Quang Diệu và các quan chức chính phủ cùng lúc thực hiện chương trình công nghiệp hóa, xây nhà giá rẻ và chống tham nhũng.
Đến thập niên 1980, GNP bình quân đầu người Singapore tăng hơn 10 lần lên 6.634 USD, tỉ lệ thất nghiệp xuống cực thấp và tỉ lệ người dân có nhà ở tăng lên tới 81%.
Đến đầu những năm 2000, khoảng 90% người dân Singapore đã có nhà. Nạn tham nhũng được xóa bỏ nhờ luật chống tham nhũng và sự hiệu quả của Cục Điều tra tham nhũng (CPIB) mà giám đốc trực tiếp dưới quyền điều hành của ông Lý Quang Diệu.
Các chuyên gia đánh giá ông Lý Quang Diệu còn là nhà lãnh đạo luôn lắng nghe người dân. Là thủ tướng, ông luôn tham khảo ý kiến của mọi người dù bản thân ông là người ra quyết định cuối cùng.
Năm 1960, Chính phủ Singapore thành lập Hiệp hội nhân dân (PA) để thúc đẩy sự hài hòa xã hội và sắc tộc. PA tạo không gian cho mọi người dân Singapore gặp gỡ, trao đổi, đưa ra ý kiến. PA lập ra nhiều ủy ban, trong đó có Ủy ban tham vấn công dân (CCC) để tạo kênh kết nối giữa chính phủ và người dân.
Tiêu chuẩn đạo đức cao
Giáo sư Úc Carol Dalglish, chuyên gia nghiên cứu quản trị, và nhà báo – học giả Anh Alex Josey nhận định để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, một cá nhân cần phải có tiêu chuẩn đạo đức cao để người dân noi theo. Và ông Lý Quang Diệu là người có tiêu chuẩn đạo đức rất cao. Giá trị cốt lõi của ông Lý Quang Diệu là “đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi ích cá nhân”.
Bí quyết của Lý Quang Diệu Ông Lý Quang Diệu từng nói: “Một nhà lãnh đạo thành công là người có thể kết nối được với người dân và thấu hiểu được nguyện vọng của họ. Đó phải là người đáng tin cậy và thể hiện được khả năng đánh giá đúng đắn”. Có lẽ ông đã mô tả chính mình. |
Theo giáo sư Dalglish và học giả Josey, điều ông Lý Quang Diệu tin tưởng là tầm quan trọng của tự do, cuộc sống ấm no và hòa bình. Đó là nền tảng của đất nước Singapore hiện nay.
Ông cũng là một người có kỷ luật sắt, xuất phát từ kinh nghiệm tuổi thơ. Do đó ông đề ra các quy định pháp luật chặt chẽ và nghiêm khắc. Nhờ đó, tỉ lệ tội phạm ở đất nước Singapore rất thấp.
Nghiên cứu của Tổ chức Quản trị nguồn nhân lực (SHRM) cho biết nhà lãnh đạo tài ba cần có năm yếu tố. Đó là thành tích, tính cách, sự kiên định, khả năng thích nghi và sự linh hoạt.
Học giả Smedinghoff đánh giá thành tích của ông Lý Quang Diệu ai cũng biết, tính cách của ông thể hiện rõ ở việc Singapore là quốc gia rất trong sạch, không có tham nhũng.
Ông cũng là người vô cùng kiên định với sự lựa chọn của chính mình. Điều đó thể hiện ở 40 năm cầm quyền tại Singapore với các nguyên tắc ít khi thay đổi. Và ông cũng có khả năng thích nghi cao, thể hiện ở quãng thời gian khó khăn khi Nhật chiếm Singapore. Giới chuyên môn cho rằng ông chỉ có một điểm yếu là thiếu sự linh hoạt.
“Ông Lý Quang Diệu thể hiện được rất nhiều đặc điểm của một nhà lãnh đạo phi thường. Những thành công của ông cho thấy sự chăm chỉ, tính bền bỉ và kỷ luật cao có thể giúp người ta đạt được những gì. Lý Quang Diệu đã làm được những điều mà rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới chỉ dám mơ tới. Ông ấy là ví dụ chói sáng của một nhà lãnh đạo phi thường” – học giả Smedinghoff khẳng định.
Theo tuoitre.vn
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ sự tôn thờ với ông Lý Quang Diệu, người tạo dựng nên đất nước thịnh vượng, và chia sẻ cả những kỷ niệm giữa hai cha con, trong lễ truy điệu hôm nay.
“Đây là một tuần u ám với Singapore. Ánh sáng dẫn dắt chúng ta suốt bao năm nay đã tắt. Chúng ta đã mất đi người cha lập quốc Lý Quang Diệu, người đã sống và thở cùng Singapore cả cuộc đời mình”, Straits Times dẫn lời ông Lý Hiển Long mở đầu bài điếu văn trong lễ truy điệu cha ông sáng nay. Ông Lý Quang Diệu không được định hướng làm một chính trị gia khi còn nhỏ, mà ông của ông muốn cháu mình trở thành một quý ông người Anh. Nhưng những trải nghiệm cuộc sống đã để lại dấu ấn sâu sắc với ông. “Ông đã sống sót sau những thử thách cam go, nguy hiểm và sợ hãi trong thời kỳ Chiếm đóng của Nhật. Những điều này đã khiến ông chiến đấu cho độc lập”, ông Lý Hiển Long kể về cuộc đời ông Lý Quang Diệu. Ông Lý Quang Diệu nỗ lực giành độc lập cho Singapore bằng việc thành lập Liên bang Malaysia mới. Sự thất bại khiến Singapore bị trục xuất khỏi Malaysia. Đó là “thời điểm đau đớn”, nhưng cũng là bước ngoặt mang lại vận may cho Singapore. “Từ tro tàn ông đã xây dựng nên một quốc gia”, ông Lý nói. “Ông đem đến cho chúng ta lòng dũng cảm để đối diện với tương lai bất trắc. Ông là một người thẳng thắn, không bao giờ né tránh những sự thật khắc nghiệt, với bản thân hoặc với người Singapore”, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh. Thủ tướng Singapore cho rằng cha mình trên hết là một chiến binh, trong những cuộc khủng hoảng, khi tất cả dường như rơi vào tuyệt vọng, thì ông Lý Quang Diệu vẫn rất hăng hái, xoay xở không ngừng, vững tâm và kiên định để giành lấy mục tiêu của mình. Chỉ vài tuần sau khi bị trục xuất khỏi Malaysia, ông Lý Quang Diệu táo bạo tuyên bố 10 năm kể từ lúc này, nơi đây sẽ trở thành một đất nước giàu mạnh và không bao giờ e sợ về điều đó. Và thực sự ông đã biến điều đó thành hiện thực. Ông Lý Quang Diệu áp dụng nguyên tắc và trật tự, bảo đảm rằng ở Singapore, mọi vấn đề đều được giải quyết. Ông đào tạo thế hệ trẻ, chuyển quan hệ lao động từ đình công và đối đầu sang hợp tác. Ông mở chiến dịch cải tiến kỹ năng và tăng năng suất lao động, gọi đó là cuộc chạy đua không có vạch cuối cùng. Cựu thủ tướng cũng xây dựng một xã hội nơi tất cả mọi người đều được tận hưởng thành quả của quá trình phát triển, “ông Lý quan tâm đến người dân Singapore, những người mà ông phục vụ”, ông Lý Hiển Long nói. Khi đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003, Lý Quang Diệu lo lắng cho các tài xế lái taxi, những người bị ảnh hưởng vì khách du lịch không đến, và thúc giục chính phủ tìm cách để giúp họ. “Một tối ông gọi cho tôi, hỏi rằng có biết cách làm sao giúp một trong những nhân viên an ninh nữ của mẹ tôi nhận nuôi một đứa trẻ không, vì cô ta gặp khó khăn trong việc sinh con. Ông ấy quan tâm đến mọi người không chỉ trên lý thuyết mà rất quan tâm đến cuộc sống cá nhân”, thủ tướng Lý kể lại. Ông Lý Quang Diệu giúp nâng cao vị thế của Singapore trên trường quốc tế. Ông xây dựng một mạng lưới rộng khắp bạn bè và người thân quen, những người còn đang tại vị và về hưu. Ông biết mọi lãnh đạo của Trung Quốc từ Mao Trạch Đông và mọi tổng thống Mỹ từ Lyndon Johnson. Các lãnh đạo khác như Đặng Tiểu Bình, Margaret Thatcher, Helmut Schmidt, George Shultz và cả Bill Clinton và Henry Kissinger, những người tới dự lễ truy điệu hôm nay. Ông Lý Hiển Long cũng ca ngợi các lãnh đạo Singapore đã gắn bó với cha ông, trong đó có các cựu phó thủ tướng Goh Keng Swee, S Rajaratnam. “Tôi từng gặp một phụ nữ chủ hiệu cơm rang hồi năm 1996, bà ta nói: Hãy nói với ông Lý Quang Diệu là tôi luôn ủng hộ ông. Tôi sinh năm 1948 và tôi biết ông ấy làm việc vì tôi và vì Singapore”, thủ tướng Lý kể. Cố thủ tướng Lý cũng nỗ lực xây dựng Singapore trong sạch và không có tham nhũng. Ngôi nhà của ông rất đơn giản và ông có thói quen chi tiêu thanh đạm. Ông mặc một chiếc áo khoác trong nhiều năm, thậm chí còn vá lại khi bị rách chứ không mua chiếc mới. Ông Lý Quang Diệu mặc dù rất rõ ràng trong những chiến lược muốn theo đuổi, nhưng cũng không ngại thay đổi khi một chính sách không còn phù hợp. Ông luôn nói rõ về chiến lược, nhưng cũng không bao giờ áp đặt cứng nhắc với một chiến lược cũ khi tình hình thế giới thay đổi. “Ông vẫn còn tiếp tục học cái mới khi đã có tuổi. Ông bắt đầu học dùng máy tính khi đã 70 tuổi, để viết hồi ký. Mỗi khi ông gọi tôi nhờ giúp, tôi sẽ hướng dẫn cho ông qua điện thoại các bước lưu lại tài liệu hoặc tìm một file nào đó”, ông Lý nói. Thủ tướng Lý Hiển Long nói mẹ ông là một phần quan trọng trong cuộc đời ông Lý Quang Diệu. “Họ yêu nhau sâu sắc. Bà là một người vợ trung thành và gần gũi, bà đi với ông tới khắp nơi, bà la rầy ông, bà giúp ông viết các bài phát biểu và giữ cho gia đình ấm cúng. Họ là bậc cha mẹ tuyệt vời”. “Năm nay là kỷ niệm 50 năm Singapore độc lập. Chúng tôi hy vọng ông Lý có thể hiện diện cùng chúng tôi vào ngày 9/8 tới để chào mừng, nhưng thật buồn là điều đó không thể xảy ra”. “Tôi lúc trước nói rằng ánh sáng dẫn dắt chúng ta bao năm nay đã tắt, nhưng không hoàn toàn như vậy. Những nguyên tắc và lý tưởng của ông Lý vẫn tiếp tục tiếp thêm sinh lực cho chính phủ này và dẫn dắt người dân chúng ta. Cuộc sống của ông sẽ truyền cảm hứng cho người Singapore, người dân nước khác và các thế hệ sau này”, ông Lý Hiển Long nói. “Chúng ta đau buồn vì cùng mất đi người cha, nhưng chúng ta phải cùng nhau thể hiện một Singapore tốt đẹp nhất của ông Lý Quang Diệu. Hãy cùng đưa đất nước trở thành một thủ phủ vĩ đại theo đúng lý tưởng mà ông đã đấu tranh vì nó, và xứng đáng với những người đưa Singapore trở thành quê hương và đất nước của chúng ta. “Xin cảm ơn ông Lý Quang Diệu, xin hãy yên nghỉ”, Thủ tướng Lý kết thúc bài phát biểu.
Theo vnexpress.net
Loạt bài hay liên quan:
1. https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/singapore-nghich-ly-phat-trien-18
2. https://css.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=f0e26233-bde8-4615-9ee9-bf5c9e3fd8a5
3. https://nhandan.vn/ho-so-tu-lieu/thu-tuong-ly-quang-dieu-da-viet-nen-cau-chuyen-than-ky-mang-ten-singapore-228071
4. https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Singapore
5. https://www.visitsingapore.com/vi_vn/travel-guide-tips/about-singapore/