Nền tảng giáo dục đạo đức của Nhân Hiệu Nhật

Nhìn hậu quả của hai quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945, không ai có thể tưởng tượng được rằng chỉ sau chưa đầy 20 năm, nước Nhật đã trỗi dậy thành một cường quốc kinh tế. Càng ngoạn mục hơn vì sự trỗi dậy đó được diễn tiến trong bầu không khí thanh bình của một xã hội tràn đầy tính nhân văn, đạo đức.

Nhiều người cho rằng Nhật Bản có được sự thành công kỳ diệu là nhờ rất nhiều vào sự giúp đỡ của Mỹ cũng như căn bản kỹ thuật sẵn có của người dân Nhật. Điều này chỉ đúng một phần. Nguyên do quan trọng nhất vẫn là Chính phủ Nhật thời hậu chiến đã dựa vào phẩm chất của dân tộc với những đức tính cần cù, đoàn kết, lòng tự trọng… để đưa ra một chính sách giáo dục rất hợp lý, đóng góp vào sự phục hưng của Nhật Bản.

Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố

Có thế nói, ngành giáo dục đạo đức của Nhật Bản đã có được kết quả tốt trong việc giảng dạy và thực hành là nhờ sự kết hợp hài hoà của năm yếu tố sau:

Giáo viên

Trong cuốn “Về đạo đức học”, Giáo sư Oshima Yasumasa (Doutoku) đã viết: Thầy cô giáo về đạo đức phải là một khuôn mẫu cho học sinh noi theo. Bề ngoài phải là người có lời nói, cử chỉ đoan chính, bên trong phải là người có lòng bác ái, công minh không thiên vị. Cuộc sống phải lấy sự đơn giản đạm bạc, tránh sự xa hoa, phung phí. Phải có những đức tính sáng suốt, cương nghị, tính dân chủ biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Phải làm cho học trò tin tưởng, dễ gần và nương cậy khi cần thiết.

Học sinh

Nền giáo dục đạo đức của Nhật hướng dẫn trẻ em sinh hoạt cũng như học tập trong tinh thần tập thể, sự hiểu biết đến từ sự hoà nhập, noi theo gương mẫu của bạn bè hay những đứa trẻ đi trước. Tinh thần học hỏi và tuân theo luật lệ của đoàn nhóm không chỉ thể hiện trong cấp mẫu giáo và chín năm cưỡng bách giáo dục mà còn được duy trì dưới nhiều dạng ở các cấp cao hơn.

Giáo khoa thư

Giáo dục ở Nhật Bản được chia ra làm năm nhóm: Trí dục (môn học chuyên về việc nâng cao kiến thức về xã hội, kinh tế, quản trị); Kỹ nghệ (các ngành khoa học thực nghiệm, sản xuất); Thể dục (môn học về sức khoẻ, thể thao, vệ sinh…); Nghệ thuật (âm nhạc, kịch nghệ, văn hoá, thẩm mỹ); Đức dục (giúp con người hiểu và sống theo luân lý, đạo đức).

Gia đình

Sự liên hệ giữa giáo viên (thường là giáo viên chủ nhiệm) với gia đình rất được chú ý, ngay từ khi đứa bé được 4,5 tuổi. Cha mẹ đều là hội viên của hội Phụ huynh để kết nối thầy cô giáo với gia đình trong vấn đề giáo dục trí dục cũng như đức dục của đứa bé trong thời gian đến trường.

Xã hội

Với sự liên kết khá chặt chẽ và hữu hiệu giữa thầy cô giáo, nhà trường và gia đình trong khoảng 11 năm của trẻ em Nhật Bản (2 năm mẫu giáo và 9 năm cưỡng bách giáo dục). Có thể nói trong khoảng thời gian đó, yếu tố xã hội tương đối ít ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức của đứa trẻ so với nhiều quốc gia khác…

Bước sang lĩnh vực giáo dục cao hơn như cấp cao đẳng (Koto gakko, tương đương cấp 3 tại Việt Nam) hay cấp đại học, ngành giáo dục đạo đức Nhật Bản đã có một giải pháp rất hữu hiệu, đó là sự xuất hiện các hội đoàn như âm nhạc, hội hoạ, quốc ngữ, phim ảnh, thể thao, du lịch, tennis, võ thuật… Những hội đoàn này có tổ chức rất quy củ, dưới sự điều hành của những người có kinh nghiệm, tư cách đạo đức tốt và trình độ cao về chuyên môn. Học sinh hay sinh viên vào hội đoàn này phải chịu luật lệ của nhóm nhưng được đối xử hoàn toàn công bằng.

Chi tiết thực hành giảng dạy đạo đức

Trong tập san Giáo dục Đạo đức của Bộ Giáo dục quốc gia Nhật Bản năm 1958 có đưa ra những chi tiết của từng chủ đề giáo dục đạo đức giúp cho thầy cô giáo noi theo trong việc thực hành giảng dạy.

Tập quán lễ nghi

Không có lễ nghi căn bản này là một thiếu sót không thể chấp nhận được trong một xã hội rất chuộng hình thức và lễ nghĩa như Nhật Bản. Bậc cha mẹ và thầy cô phải có trách nhiệm dạy bảo cho đứa bé nằm lòng như một phản xạ khi nhận vật gì hay giúp đỡ từ người khác luôn phải có lời cám ơn. Trước khi ăn cơm phải nói câu xin mời (Itadakimasu), khi ăn xong để đũa xuống có thể khen ngon miệng nhưng không thể thiếu câu đã ăn xong (Gochisosama). Khi rời nhà phải nói câu “xin rời nhà” (Ittekimasu) và sẽ nhận được câu “xin cứ đi” (Itterasai). Khi về nhà với câu “đã về nhà” (Tadaima) sẽ được chào đón “xin cứ về” (Okaerinasai), khi gặp ai quen biết hay thầy cô phải chào hỏi. Bên cạnh đó, đứa bé phải chỉnh tề trong ăn mặc lúc đến trường, giữ gìn vệ sinh chung, không được nói dối…

Quý trọng sự sống và sức khoẻ

Thầy cô giáo dạy cho học sinh yêu sự sống của mình, coi đó là một gia sản của cha mẹ, của đất nước mà mình có nhiệm vụ gìn giữ cho khoẻ mạnh để đền đáp lại cha mẹ và phục vụ xã hội nơi mình đang sống. Tham gia các hoạt động thể dục, thể thao hay giải trí có tính văn hoá như âm nhạc, hội hoạ, du lịch khám phá thiên nhiên… Thầy cô giáo phải tìm cách nâng đỡ, an ủi học sinh khi gặp buồn phiền, tuyệt đối không được mang sự chán chường, tiêu cực trong đời sống riêng của mình vào giờ giảng dạy.

Hoà nhập, ý thức trách nhiệm và sáng tạo

Hướng dẫn cho học sinh những đức tính để hoà nhập vào sinh hoạt của tập thể là một bài học luôn luôn được đề cao, thể hiện rất rõ trong trường lớp, trong công sở, đoàn nhóm ngay cả trong giải trí, vui chơi….

Bài học đạo đức giảng dạy cho học sinh có tinh thần trách nhiệm trong việc làm, tôn trọng giá trị cần lao, phát triển khả năng sáng tạo trong công việc không chỉ thu nhỏ trong môi trường học đường mà còn liên tục và cần thiết cho học sinh bước vào việc làm tại các hãng xưởng trong xã hội.

Tâm hồn trong sáng và hướng thiện

Phương pháp để phát triển tâm hồn trong sáng, lý tưởng là giúp đỡ học sinh đến thăm hay tiếp cận cơ sở từ thiện (cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi, tật nguyền… ) hay tham gia hoạt động từ thiện (thiên tai, hoả hoạn…).Bên cạnh đó, học sinh còn được khuyến khích tham dự những môn giải trí có tính nghệ thuật nhằm nâng cao trình độ văn hoá, nhân bản;

Tinh thần “hoà hiếu hạnh” trong gia đình

Ngày nay, môn giáo dục đạo đức gia đình của Nhật dựa vào ba tiêu chí “Hoà, Hiếu, Hạnh”:

– Tinh thần hoà thuận: Các con phải biết vâng lời, kính yêu cha mẹ và thương yêu anh chị em trong gia đình. Cha mẹ phải có nhiệm vụ nuôi dưỡng, thương yêu và lo việc học hành sinh sống tốt cho các con.

– Tinh thần hiếu kính: Các con cũng phải có lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ ốm đau, già lão.

– Tinh thần tạo dựng hạnh phúc gia đình: Cha mẹ, vợ chồng, con cái phải tôn trọng phẩm giá cũng như ý hướng của nhau.

Can đảm khi hành động và phục vụ chính nghĩa

Để chuẩn bị cho học sinh, nhất là khi chuẩn bị rời ghế nhà trường để bước vào xã hội, giáo viên phải hướng dẫn học sinh có tính phân tích và phán xét sự kiện một cách chính xác nhờ kiến thức đã thu được và biết lắng nghe phê phán của người khác một cách khôn ngoan. Sau khi đã tìm ra một giải pháp, phải can đảm thực hiện trong tinh thần chủ động, không ỷ lại người khác, hãy tự tin nhận lấy trách nhiệm.

Lòng yêu nước và cộng đồng quốc tế

Ngày nay, lòng ái quốc ở Nhật Bản được dựa trên bản hiến pháp hoà bình năm 1947 với tiêu đề “Quốc gia độc lập và quốc tế thân thiện trong một thế giới hoà bình”. Với tinh thần đó, đối với cộng đồng quốc tế, ngành đạo đức giáo dục của Nhật Bản được định hướng rất rõ ràng. Đó là đào tạo những con người lý tưởng. Với bản thân phải học hỏi để có đức tính tốt của một con người khỏe mạnh về thể lực, trong sáng về tâm hồn. Với gia đình, xã hội và đất nước phải là thành viên có tinh thần kỷ luật, trách nhiệm. Phải biết trau dồi tài năng, giữ gìn và làm giàu cho nền văn hoá của dân tộc. Với thế giới, phải mang lý tưởng cao cả thoát ra khỏi cái chật hẹp của địa giới quốc gia để hoà nhập vào sự tiến triển và an ninh chung cho xã hội loài người.

Theo Lưu An – Vũ Ngọc Ruẩn –Báo Thế giới và Việt Nam

Để lại một bình luận

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X