Nhà báo Lê Văn Nghĩa – Một người Sài Gòn rất Sài Gòn

Anh góp sức phát triển một tờ báo trào phúng, châm biếm gần 40 năm, được bạn đọc trong Nam ngoài Bắc hết sức yêu thích: Tuổi Trẻ Cười.

TTO – Anh chọn nghề báo, vừa làm báo vừa viết báo, và trở thành nhà báo đặc biệt của làng báo Sài Gòn. Anh góp sức phát triển một tờ báo trào phúng, châm biếm gần 40 năm, được bạn đọc trong Nam ngoài Bắc hết sức yêu thích: Tuổi Trẻ Cười.

Anh – một người ít nói nhưng để lại cho đời biết bao lời, biết bao chuyện. Anh – một người ít cười nhưng mang lại cho đời biết bao tiếng cười, biết bao sảng khoái. Anh – tưởng như rụt rè, tưởng như khó chịu nhưng có biết bao bạn bè, biết bao người quý trọng, mến yêu…

Anh thân mang trọng bệnh nhưng vẫn làm việc không ngừng, cho đến khi cạn sức.

Cuốn sách cuối cùng của anh ở Nhà xuất bản Trẻ – Sài Gòn, những mảnh ghép rời ký ức – vừa kịp đặt lên bàn thờ anh trong ngày tang lễ…

Anh có một thời thanh niên can trường, sớm đi theo cách mạng, góp mặt trong phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn – Gia Định, nếm đủ mùi vị ngục tù từ Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo đến “chỉ định nơi cư trú”.

Vượt sóng, gồm hai tập truyện phim Vượt sóng và Những ngày vui, viết về những năm tháng “mà nhờ nó, tôi được là tôi”, viết về một Thành đoàn hào hùng, bất khuất, về những con người Thành đoàn ngoan cường mà hồn nhiên, vượt qua mọi mất mát, hy sinh bằng tiếng cười trong sáng.

Ngang trái của cuộc đời khiến anh không được vào Đảng. Nhưng anh vẫn mạnh mẽ, bền chí làm việc đến cùng trên hành trình đã lựa chọn!

Anh chọn nghề báo, vừa làm báo vừa viết báo, và trở thành một nhà báo đặc biệt của làng báo Sài Gòn. Anh góp sức phát triển một tờ báo trào phúng, châm biếm với sức sống gần 40 năm, được bạn đọc trong Nam ngoài Bắc hết sức yêu thích: Tuổi Trẻ Cười.

Anh tập hợp các cây bút, các cây cọ tài danh, tạo ra các chuyên mục đặc sắc, đi theo “gánh hát” Tuổi Trẻ Cười Sống, tổ chức các ngày hội bạn đọc, thực hiện giải thưởng Cù nèo vàng, giải thưởng Trái cóc xanh… Anh đã góp công làm cho tiếng cười thực sự trở thành vũ khí sắc bén xây dựng cuộc đời, xây dựng con người.

Và anh cầm bút, với một sức viết, sức sáng tạo đáng kinh ngạc, với một tài sản đồ sộ gần 20 tập sách có hài hước, có trào phúng, có châm biếm đã được in, với những bút danh và những nhân vật từ trang báo, trang sách trở thành hình tượng của đời, trở thành câu cửa miệng dân gian: Hai Cù Nèo, Đại gia Đại Văn Mỗ, Điệp viên Không Không Thấy, Linda Kiều, Hoa hậu phường Cây Mít…

Rồi từ hơn thập niên qua, anh tập trung viết sách, với cường độ hai năm một nhịp, và trở thành một người kể chuyện độc đáo về Sài Gòn bằng câu chuyện chính cuộc đời mình.

Đó là những truyện dài gắn liền hồi ức về một thời niên thiếu: 

Mùa hè năm Petrus (2012), 

Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (2014), 

Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), 

Mùa tiểu học cuối cùng (2020). 

Đó là những tạp bút – biên khảo gắn liền với hồi ức về “hòn ngọc Viễn Đông”: 

Sài Gòn – Dòng sông tuổi thơ (2016), 

Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (2018), 

Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (2020), 

Văn học Sài Gòn 1954 – 1975 những chuyện bên lề (2020).

Lê Văn Nghĩa kể chuyện Sài Gòn như những trang biên bản trong kho lưu trữ bụi bặm được lôi ra để nhắc lại nhiều chuyện mà bây giờ còn mấy ai biết, mấy ai nhớ; như những tấm bưu ảnh đã ngả màu thời gian chỉ kịp giữ lại mớ hình ảnh mà bây giờ có cái đã không còn, có cái đã biến đổi; như những thước phim 72 li đen trắng đã bị trầy xước, thong thả nhắc lại bằng hình và tiếng với tốc độ của một thời đã qua đã xa…

Như một kẻ không nhà, hay đúng hơn, như một người mà đâu cũng là nhà, anh đã rong ruổi khắp nơi từ hang cùng ngõ hẻm đến quán xá chợ búa. Anh nhìn ngắm mọi thứ từ mỗi vật dụng hằng ngày đến từng công trình xưa cũ, và đâu đâu anh cũng thấy kỷ niệm, cũng có ký ức, cũng bật ra nỗi niềm…

Anh gọi tên tất cả bằng cảm xúc của những chuyện xưa cũ nối liền với tâm sự hôm nay, trong một không gian đã được “điều kiện hóa” bởi sách, bởi báo, bởi nhạc, bởi thơ, bởi tuồng, bởi phim đã theo anh đi suốt những năm tháng của cuộc đời!

Anh là nhà báo, là nhà văn. Anh biết hát, biết diễn kịch, biết vẽ tranh, biết ảo thuật… Nhưng trên tất cả, anh là một người Sài Gòn rất Sài Gòn!

Vĩnh biệt anh trong muôn ngàn tiếc, thương và nhớ!

Những bài về Nhà báo, cuộc đời sự nghiệp ! 
Một đời cầm bút !
Nhớ về Anh một sát na vui vẻ của đường trần! 

Để lại một bình luận

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X