Lần đầu tiên, ngày 22.11, tại TPHCM có một hội thảo về xây dựng nhân hiệu Việt, nhằm đề xuất những giá trị cốt lõi giúp nhân hiệu Việt bắt kịp thang giá trị phổ quát của nhân loại.
Bay để làm người
Mục đích của hội thảo chính là xây được “viên gạch chuẩn” cho đời người và phương pháp thực hiện nhằm giúp mỗi công dân tạo dựng được cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc và thành đạt.
Theo doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, chưa có định nghĩa về nhân hiệu trong từ điển cũng như trên Google, nhưng có thể hiểu nhân hiệu gắn với người có đóng góp giá trị lớn cho xã hội, đem lại lợi ích cho quốc gia và cộng đồng. Khi sống, người đó được xã hội kính trọng, khi chết được tôn vinh. Song, như bất kỳ vấn đề nào cũng phải tìm cho ra triết lý của nó thì mới thực hiện thành công. Dân tộc ta có những người không đi, mà bay. Việc vô cùng cần thiết xây dựng nhân hiệu Việt là cách mà người đi trước hướng dẫn cho thế hệ sau học cách sử dụng đôi cánh mà bay để làm người và hơn thế nữa. Có thể chọn một nhân hiệu duy nhất, khuếch trương, quảng bá, tạo một thương hiệu quốc gia, như Lương Văn Can – biểu tượng của doanh nhân, hay Ngô Bảo Châu – biểu tượng của sinh viên học sinh, Nguyễn Du – văn học, hay Võ Nguyên Giáp – tài năng quân sự… Tuy nhiên, chọn cho được một ai đó cũng là điều nhạy cảm, phức tạp, tế nhị.
Giá trị Việt, theo nhà nghiên cứu gia phả Võ Ngọc An, có thể trích lời của GS Trần Văn Giàu: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Xây dựng nhân hiệu bắt đầu từ biểu trưng – điều tốt đẹp nhất trong chuỗi giá trị của cha ông từ lúc dựng và giữ nước, trong các gia phả dòng họ, gia đình, cá nhân, đồng bào… Việt Nam nêu 7 giá trị, còn ở Mỹ người ta thêm 4 giá trị khác nữa về nhân hiệu.
“Chúng ta phải làm gì đó cho thế hệ sau, bởi các sinh viên – học sinh hiện rất lúng túng về giá trị của một xã hội tương lai hình như đang thay đổi mỗi ngày mà chúng ta còn chưa theo kịp” – ông Nguyễn Trần Quang – chuyên gia thương hiệu nhấn mạnh. Những giá trị tổ tiên để lại là gì? Một di sản đáng quý, vĩ đại, nhưng hình như những giá trị đó, di sản đó vẫn chưa thuyết phục đối với thế hệ mới. Thế hệ trẻ nghĩ khác thế hệ chúng ta. Nên chăng, những người đi trước gợi mở cho thế hệ tương lai hình ảnh của con người thành đạt, trí tuệ trong nay mai để họ thực hiện được chuỗi giá trị hài hòa có sự kế thừa đó.
Một số nhà tâm lý nhấn mạnh nhân hiệu đi từ sự đậm nét về nhân cách, tính cách, tư cách (hệ thống giá trị sống), phong cách (kỹ năng mềm nhờ giáo dục). Những con người vĩ đại trong lịch sử thường trước tiên là người chiến thắng bản thân. Xây dựng nhân hiệu càng phải gắn với phần hồn, với nội lực, bởi lớp trẻ đang chạy theo hình thức bề ngoài hơn là thực chất.