NHÂN TRÍ, NHÂN CHÍ TRONG ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN…

Linh Mục Giuse Tạ Huy Hoàng

Dẫn vào cái nhìn chung

Nếu tình cờ gặp phải một câu hỏi đặt ra như sau: “Theo bạn, nhân trí (human mind), nhân chí (human will), nhân bản (human nature) là gì,[1] hoặc cần phải được hiểu như thế nào…” thì đâu sẽ là câu trả lời cấp thời và tổng quát của bạn (trong đó chắc chắn human nature không phải là replication, cloned, cloning…)?[2] Vâng, một cách cấp thời và tổng quát thì… trước hết nhân là người (nhân đức, nhân cách…); kế đến, bản là gốc (căn bản, nền tảng…). Nhân bản vẫn thường được hiểu là những vấn đề căn bản cần có, phải có… để con người là người, là những vấn đề nền tảng để con người làm người trong đời. Nhân bản tập trung vào cái cội gốc của con người, tập trung vào cái bản chất làm nên sự khác biệt giữa con người với mọi sinh vật khác.

Nói “vui” theo đó thì… con người gồm có hai phần: phần “con” và phần “người”. Phần con… rất giống với các động vật khác; phần người thì rất khác. Vì thế, có thể nói ngay, nhân bản nghiêng hẳn về giá trị phần người, gồm trí khôn và ý chí (linh hồn), luôn hướng đến, vươn đến Chân-Thiện-Mỹ tuyệt đối.

Như thế, nhân trí có thể đươc coi là khả năng suy nghĩ, luận giải các vấn đề và phân tích thông tin một cách lô-gíc. Đây chính là khía cạnh thiết yếu của trí khôn, góp phần làm hình thành sự thông minh, giúp phát triển trí tuệ con người. Có nhiều cách để rèn luyện nhân trí: học hành, đọc sách, du lịch (“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”[3])… học hỏi từ những người có đầu óc lô-gíc, biết suy nghĩ thông minh.

Còn nhân chí lại cần được nhận định và hiểu rằng: đó chính là ý chí, là ước muốn tự do, suy nghĩ độc lập, luôn hướng thiện… và là phẩm chất đạo đức của con người. Ý chí lành mạnh chính là khả năng dễ dàng cảm thông, mau mắn đồng cảm với những suy nghĩ, tình cảm chân thành của người khác. Nhân chí tốt đẹp biểu hiện ra bên ngoài chính là sự nhân từ, sự tự trọng… tự trọng bằng cách tôn trọng người khác. Vâng, có trí sẽ yêu thích sự khám phá chân lý, mà có chí thì phải là vậy, tôn trọng sự thật.

Theo đó, ta có thể nói: “Nhân trí nhân chí… cùng hợp thành nhân bản / Nhân linh hữu hạn… hướng đến cõi vô biên / Tất cả an nhiên… trong lẽ đời nhân đạo / Khí phách thanh cao… kiến tạo phẩm chất người”.[4] Chẳng vậy mà người ta vẫn thường nói hành trình giáo dục nhân bản (hoặc đào tạo nhân bản) là cần thiết, và sẽ giúp con người vượt qua những rào cản khó khăn tất yếu của hành trình… để trưởng thành nhân cách. Nghĩa là, khởi đi từ đạo lý làm người (nhân đạo), con người sẽ luôn thao thức, sẽ luôn khao khát… khám phá… để tìm ra thiên đạo đích thực.[5]

Đào tạo, giáo dục nhân bản (human formation)

Đào tạo hay giáo dục nhân bản là sự góp phần để làm tốt hơn, làm xuất hiện rõ nét hơn, làm hình thành con người đúng nghĩa hơn; nghĩa là, con người “nhân bản” hơn, hướng đến sự phát triển toàn diện hơn, sự hoàn thiện hơn những giá trị cốt lõi, những tinh hoa căn bản của con người. Bất kỳ công trình giáo dục nhân bản nào cũng cần phải trực diện với những khái niệm, phải thỏa đáp những đòi hỏi cơ bản và rất thực tiễn như thế về nhân bản. Nói khác đi, đó có thể sẽ là những khẳng định tất yếu về bản chất con người; hay những đúc kết có thể còn phiến diện như:[6] bản tính của con người là thế, bản tính con người không bao giờ thay đổi, hoặc tích cực hơn: “nhân chi sơ tính bản thiện”.

Vậy ra, giáo dục nhân bản chính là nền giáo dục đặt con người vào trọng tâm, hướng đến sự hoàn thiện nhân cách con người, tập trung vào lối sống, cách ứng xử sao cho xứng tầm “nhân linh ư vạn vật”. Phương pháp giáo dục nhân bản phải hướng đến sự phát triển con người toàn diện, hướng đến sự hoàn thiện những giá trị cốt lõi, những tinh hoa căn bản của con người; nghĩa là, không chỉ nhắm đến chỉ số thông minh (intelligence quotient) (IQ) mà quan trọng hơn, còn phải ưu tiên hướng đến chỉ số thông minh về cảm xúc (emotional intelligence quotient) (EQ).[7] Theo đó, trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence) thường được dùng để nói về chính chỉ số EQ của mỗi cá nhân.[8]

Thật vậy, không chỉ là chỉ số IQ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hình rõ nét trí tuệ con người hơn hẳn vạn vật; nhưng chỉ số EQ để chỉ ra mức độ hạnh phúc thì rõ ràng… còn đóng vai trò quan trọng hơn, vì “nhân linh ư vạn vật” hệ tại phương diện này là “bậc nhất”, chắc chắn phải quan trọng hơn hẳn IQ. Vâng, EQ mới là thước đo khả năng, mới là chuẩn xác định và quản lý cảm xúc của bản thân cũng như của người khác. Đó là kỹ năng nhận thức về cảm xúc, xác định và đặt tên cho cảm xúc của chính mình, khai thác những cảm xúc đó, áp dụng vào các nhiệm vụ và giải quyết vấn đề… một cách tự nhiên nhất có thể.[9]

Tự nhiên sang siêu nhiên, triết học sang thần học

Trong cuộc nhân sinh, con người luôn khát khao đi tìm chân lý. Khởi đi từ đạo lý làm người (nhân đạo), con người vẫn luôn thao thức tìm hiểu, khám phá trong hành trình đi tìm chân lý tối hậu là thiên đạo đích thực. Thật vậy, câu hỏi “tại sao” trước mọi vấn đề tuy vẫn đang giúp con người tiến bước không ngừng về phía trước, thì cũng chính câu hỏi này với tính chất “đã, đang và sẽ…” không bao giờ tách rời khỏi con người… mà đòi buộc con người phải đi từ tự nhiên sang siêu nhiên, từ triết học sang thần học. Cứ luôn bám chặt vào con người…, câu hỏi “tại sao” khiến con người mãi mãi khắc khoải, có khi ăn không ngon, ngủ không yên, cho đến khi… “an nghỉ…”; “an vui…” như thấy Đấng Vô Hình, như chạm đến chân lý tối hậu là thiên đạo đích thực mới thôi. Vâng, “nhân linh ư vạn vật” hẳn phải thế, mãi vẫn là thế!

Đúng vậy, nơi con người, luôn có “cái gì đó” (rất nhân bản) vượt hẳn lên trên vạn vật và làm cho từng người vốn luôn mang trong mình một khát vọng vô biên, sẽ luôn tạo ra một “phẩm giá” bất khả xâm phạm. Nghĩa là, với sự tự do hướng thiện mình có, con người luôn luôn khắc khoải đi tìm chân lý và trước mắt họ sẽ luôn mở ra hai con đường, tự nhiên và siêu nhiên, nhân đạo và thiên đạo, hay nói theo kiểu “nhà đạo”: đó chính là con đường lý trí (triết học) và con đường đức tin (thần học).

Không luôn luôn là thế, phải thế; nhưng bao lâu còn lý luận, còn nhắm vào “cân đo đong đếm được”, trí khôn còn thấy đón nhận được như một chân lý thuần túy khoa học…, thì sự việc ấy, đối tượng nghiên cứu ấy vẫn còn là vấn đề thuộc phạm vi triết học. Thật vậy, ngay cả khi (và thường vẫn là thế) vấn đề dù vừa xuất phát từ lý trí, vừa đến từ trái tim… (mà không cần tin) thì vẫn còn là vấn đề thuộc tự nhiên… thuộc con người. Chỉ khi trí khôn tuy không thể hiểu hết, con tim cũng không cảm hết (mặc dù con tim có những lý lẽ mà chính lý lẽ cũng không thể hiểu được)…[10] nhưng tâm trí con người đơn thành vẫn tin, vẫn sống chết vì niềm tin ấy thì vấn đề mới có thể được coi là đã bước sang siêu nhiên, bước sang thần học. Vâng, với sự đề cập đến chỉ số IQ, chỉ số EQ thì lý trí và ý chí của con người vẫn đang là con đường của triết học, dù rằng đó là sự chuẩn bị cần thiết của triết học đối với thần học (philosophy for theology); còn niềm tin, đức tin mới thực sự là nhân tố cần có, là yếu tố bắt buộc thuộc con đường siêu nhiên, thần học.

Vậy thì, tìm cho ra lẽ phải toàn vẹn, chân lý tuyệt đối, sự thật mười mươi… chính là khuynh hướng tự nhiên thuộc lý trí và ý chí, là bổn phận tất yếu… làm nên bản chất của con người:[11] “Sự thật mười mươi… con người vốn hữu hạn / Không thể ngăn cản… khát vọng sống đời đời / Chẳng thể vẽ vời… đâu mới là sự thật / Con người vật chất… có đủ cả thất tình / Phẩm giá tâm linh… vượt qua mọi rào cản / Sống trong hữu hạn… mong thấu hiểu vô thường / Hướng đến biên cương… sự thật tuyệt nhiên đúng / Vô hạn… vô cùng… mới đúng thật tuyệt vời”.[12]

Đời sống nhân bản đích thực

Nếu khẳng định đời sống nhân bản đích thực gồm cả tự nhiên lẫn siêu nhiên, thì cũng nên khẳng định đời sống tự nhiên luôn hướng về siêu nhiên.

Với triết lý sống tự nhiên “Cùng là con người với nhau nhưng không phải ai cũng có thể làm được những điều vĩ đại; tuy nhiên, phàm đã là người thì nói chung ai cũng có thể thực hiện (và phải làm) những điều nhỏ nhặt hằng ngày với tình yêu vĩ đại”, con người tự nhiên vì thế (và theo đó) được mời gọi, được định hướng… và hoàn toàn có thể, từng người một, là một cá nhân độc đáo, một con người vĩ đại, hướng đến siêu nhiên. Với triết lý sống siêu nhiên, mô phỏng theo gương sống của Thầy Giê-su: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”,[13] các Ki-tô hữu cần hiện thực hóa cuộc đời nhân bản của mình bằng đời sống phục vụ, với nhân trí, nhân chí luôn hướng về, luôn vươn đến Chân-Thiện-Mỹ tuyệt đối… là chính Đức Ki-tô Giê-su.

Sau đây là một số bảng tóm tắt giúp minh họa (với những điểm nhấn) cho nội dung đã trình bày:

Nhân trí Human mind

+

Nhân chí Human will

=

Nhân bản Human nature

 

Chỉ số IQ

Intelligence quotient

+

Chỉ số EQ

Emotional intelligence quotient

=

Con người tự nhiên (IQ, EQ)

 

Nhân bản Human nature

Con người tự nhiên (IQ, EQ)

(với mọi lý luận, triết học…)

Con người siêu nhiên (IQ, EQ)

(với niềm tin, đức tin, thần học…)

Gợi ý thảo luận

  1. Bạn thích triết lý sống tự nhiên hay triết lý sống siêu nhiên? Tại sao?
  2. Đâu là triết lý sống của bạn hiện nay? Hãy kể ra và cho biết lý do tại sao lại là thế.

21-5-2023, Minh Triết CD

MỤC LỤC

Dẫn vào cái nhìn chung…………………………………………….. 1

Đào tạo, giáo dục nhân bản (human formation)…………… 3

Tự nhiên sang siêu nhiên, triết học sang thần học………… 5

Đời sống nhân bản đích thực…………………………………….. 7

Gợi ý thảo luận………………………………………………………… 8

 

[1] Nhân bản là bản chất con người, là nhân tính… thì nhân trí, nhân chí là chi?

[2] Rõ ràng, nhân bản được đề cập nơi đây không phải là quá trình tạo ra một bản sao của một đối tượng: một cơ quan sống hoặc không sống, cũng không là bản sao của máy móc hoặc thiết bị điện tử, không là bản sao trong khoa học về động vật để giúp bảo tồn các loài động vật (theo đó, nhân bản người còn được hiểu là chính sự việc tạo ra một bản sao giống hệt của ai đó do sự sinh sản của tế bào và mô người).

[3] “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là câu tục ngữ khuyên con người phải thường xuyên học hỏi và đúc kết kinh nghiệm, nghĩa là rèn luyện nhân trí.

[4] BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau 2, T140, số 26.

[5] Hành trình giáo dục ấy phải như kiềng ba chân: gia đình, nhà trường (nhà thờ), xã hội. Thiếu một trong ba chân, hành trình sẽ không trọn vẹn; chương trình đào tạo sẽ khập khiễng, đổ vỡ.

[6] Trong tiếng Anh, những khái niệm cơ bản mà rất thực tiễn về nhân bản nói trên chính là những cách nói quen thuộc sau: It’s human nature; that is human nature; human nature never changes; human nature is hard to change…

[7] X. Cardinal Peter K. A. Turkson, Vocation of the Business Leader: A Reflection (Một suy tư về ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp) (Vatican: Dicastery for Promoting Inte-gral Human Development Publisher, 2018); https://tuoitre. vn/thuc-hien-cac-he-gia-tri-huong-toi-phat-trien-toan-di…

[8] Chỉ số này mô tả khả năng, năng lực, kỹ năng… tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của chính mình, của người khác, của các nhóm cảm xúc.

[9] Khả năng quản lý cảm xúc bao gồm cả việc điều chỉnh cảm xúc của chính mình khi cần thiết và giúp người khác làm điều tương tự.

[10] Nhà toán học, nhà vật , nhà phát minh, tác gia, triết gia người Pháp Blaise Pascal (1623-1662) đã từng viết về lý lẽ của con tim như sau: “Le coeur a ses raisons que la Raison ne connait point” (The heart has its reasons which Reason knows not / Con tim có những lý lẽ mà chính Lý Lẽ cũng không thể biết được).

[11] “Sự thật mười mươi – Không thể ngăn cản – Chẳng thể vẽ vời – Con người vật chất – Phẩm giá tâm linh – Sống trong hữu hạn – Hướng đến biên cương – Vô hạn vô cùng”.

[12] BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau 2, T140, số 27-8.

[13] Mc 10,45.

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X