Sống Tử Tế – Câu chuyện của gia đình GS. TS. NGND Nguyễn Lân Dũng
Gia tộc Việt, Gia đình Việt, Nhân Việt, Dựng nước non Việt!
Gia đình nhiều giáo sư, phó giáo sư
Dân gian có câu “Con hơn cha là nhà có phúc”. Dòng họ Nguyễn Lân có thể nói là “danh gia vọng tộc”, các thế hệ đều có những nhà khoa học, trí thức nổi tiếng. Văn hóa nêu gương, người đi trước dìu dắt người đi sau xây đắp nên hình mẫu một gia đình hiếu học, tài hoa. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trò chuyện với GS, TS, Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Lân Dũng xung quanh chủ đề này…
Phóng viên (PV): Thưa GS Nguyễn Lân Dũng, ông và bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu có hai người con là Nguyễn Lân Hiếu và Nguyễn Kim Nữ Thảo-đều là những nhà khoa học đang có nhiều cống hiến. Nhiều người nói anh Hiếu, chị Thảo giỏi hơn bố mẹ, ông nghĩ sao về đánh giá này?
Giáo dục bằng nêu gương
Hơn nữa, truyền thống gia đình cũng ảnh hưởng rất nhiều. Ông nội cháu là NGND Nguyễn Lân, ông ngoại là Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, cả hai đều sống rất giản dị, trung thực. Các cháu thấy ông nội, ông ngoại, bố mẹ sống tử tế thì các cháu sẽ tự giác sống tử tế. Tôi thấy cuộc sống không cần nhiều tiền, chỉ cần sống bằng tiền lương. Sống giản dị, làm công việc mình yêu thích, mình có năng lực thì sẽ không nghèo, làm gì cũng có thêm tiền. Bạn thấy đấy, tôi có thiếu gì đâu? Nhà cũ của tôi cả 4 tầng đều là sách, bây giờ tôi không biết sẽ dùng làm gì, có lẽ sẽ tặng một thư viện nào đó. Tôi chỉ mang đến đây những quyển mà tôi đang làm việc. Quần áo, nhà cửa, sách vở, của cải… đủ dùng là tốt lắm rồi.
Tôi nghĩ rằng các bậc bố mẹ nên quan niệm hạnh phúc của các con mình là hạnh phúc của chính mình. Và muốn có hạnh phúc đó thì hãy tạo cho con những điều kiện tốt nhất để tiếp thu tri thức, đâu phải là tiền bạc. Chúng tôi đều là những cán bộ khoa học, đều không dư dả về tài chính nhưng luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các con học tập, đặc biệt bồi dưỡng cho các cháu ý thức tự vươn lên. Thảo từ khi học phổ thông đã được giải quốc tế về sinh học. Cháu đi Mỹ học tiến sĩ bằng học bổng. Hiếu thì đi Pháp. Tôi nhớ khi đó gia đình quá nghèo, thầy của Hiếu bảo với vợ chồng tôi là cố mua cho cháu cái vé máy bay. Sau này, theo tự thuật của cháu mới biết có lúc cháu vừa đi rửa bát thuê, vừa đi học. Hai cháu học bằng chính sức của các cháu, không phải bằng sự giúp đỡ tài chính của bố mẹ hay của ai khác.
Cho con tri thức, chớ cho tiền
PV: Vậy thưa GS, những bậc cha mẹ cần lưu ý điều gì khi nuôi dạy con trẻ? Tôi cũng thấy nhiều ý kiến cho rằng có những mốc thời gian phát triển quan trọng trong cuộc đời của đứa trẻ mà cha mẹ cần hết sức lưu tâm. Ông nghĩ sao về điều này?
GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi thấy một đứa trẻ từ lúc sinh ra đã phải quan tâm rồi, và quá trình này liên tục, không có mốc thời gian nào là quan trọng hay không quan trọng hết. Ngoài sức khỏe, cần quan tâm đến chuyện học hành. Chúng tôi không bao giờ nhắc cháu phải nhất lớp. Các bố mẹ hay thích cháu phải nhất lớp, điểm cao, tôi chỉ xem cháu có thích học không, làm sao để các cháu thích học, tạo mọi điều kiện cho cháu được học. Hiếu đỗ 3 trường đại học, nhưng khi đó, bà nội và bà ngoại cháu bị ốm, cháu phải chăm sóc nên cháu tự chọn trường y. Còn con gái tôi, ai cũng bảo tại bố làm đầu ngành vi sinh vật học nên muốn nhét con vào. Kỳ thực tôi có bắt cháu đâu, cháu đến phòng thí nghiệm, tự soi kính hiển vi và thấy hóa ra vi sinh vật không đơn giản, những xạ khuẩn, vi tảo thật đẹp lắm, nên cháu tự thích, tự chọn ngành. Giờ cháu đang đào tạo thế hệ sau bằng niềm vui, sự thích thú của cháu.
Cho nên, con cái giỏi hơn mình là chuyện hoàn toàn khả thi. Muốn như thế, mình phải có ý thức để cho con cái giỏi hơn mình, đừng nghĩ mình giỏi hơn các con, cái gì mình nói là các con phải nghe theo và đừng quyết định hộ cuộc đời các con. Khi gặp một chuyện gì hay, tôi đều kể cho các con nghe, như trường hợp bạn Trần Hồng Giang ở Nam Định. Giang bị tai nạn, liệt cả chân cả tay. Thấy Giang nằm thu lu trên giường, tôi nghĩ cuộc đời kết thúc ở đấy. Nhưng tôi không ngờ, Giang không những tự học tốt nghiệp cấp 3, có tiếng Anh bằng C mà hiện còn phụ trách hai trang web của giới văn nghệ Nam Định, sử dụng máy tính rất thành thạo để sáng tác thơ văn. Thế thì anh gõ máy tính bằng cách nào? Giang ngậm đũa vào miệng và dùng má đẩy con chuột. Không ai ngờ anh làm được việc đó và trở thành một nhà văn có tiếng. Chỉ với những tấm gương như thế, tôi kể cho các con nghe, động viên các cháu rằng mình được sung sướng, lành lặn, được học hành tử tế thì phải vượt lên! Biết bao nhiêu gương tốt xung quanh ta và tôi nghĩ sự nghiệp giáo dục phải thay đổi. Đừng cố nhồi nhét kiến thức mà dạy cho trẻ biết ham kiến thức, tự tìm kiếm kiến thức và chủ yếu là đào tạo con em mình thành những người tử tế.
Gia đình nhiều giáo sư, phó giáo sư
Một gia đình đặc biệt có đến 8 người con đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ như gia đình cố giáo sư – nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân quả thật là hiếm có. Họ đều là những nhà khoa học xuất sắc, nổi tiếng của đất nước.
GS.TSKH – nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất (người con cả của giáo sư Nguyễn Lân): Người Việt Nam đầu tiên được cựu tổng thống Nga Vladimir Putin phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga năm 2001, hiện đang giảng dạy tại Nhạc viện Novosibirsk, Nga.
TS Nguyễn Tề Chỉnh (người con thứ hai): Nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng (người con thứ ba): Một trong những nhà khoa học đầu ngành vi sinh vật học, chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học; đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường (người con thứ tư): Nghiên cứu viên cao cấp, chuyên gia đầu đàn của bộ môn cổ nhân học; Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, giảng viên Khoa Lịch sử – Đại học Quốc gia Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Lân Hùng (người con thứ năm): Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Lân Tráng (người con thứ sáu): Giảng viên Bộ môn Hệ thống điện – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
GS.TS.TTND Nguyễn Lân Việt (người con thứ bảy): Viện trưởng Viện Tim mạch, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Lân Trung (người con út): Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Ngoài những người con trai đều là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thì gia đình của cố GS Nguyễn Lân cũng có nhiều con rể, con dâu và các đời cháu con là những trí thức có uy tín trong xã hội. Tính đến 3 đời, con trai con gái, dâu rể, các cháu, gia đình Nguyễn Lân có gần 20 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Đại gia đình nhà Nguyễn Lân vẫn gìn giữ nền nếp gia phong, kính trên nhường dưới, anh em yêu quý nhau cho đến giờ.
https://giadinh.net.vn/9-bo-con-song-hanh-tren-buc-giang-dai-hoc-172180205151555959.htm
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/nhung-gia-dinh-danh-tieng-bac-nhat-viet-nam-127944.html
http://daidoanket.vn/giao-su-nguyen-lan-dungsong-va-chia-se-5656495.html