Tương lai ‘thịnh vượng chung’ trong mắt người Trung Quốc

Nhiều người Trung Quốc lạc quan đất nước sẽ có nhiều thay đổi tích cực khi theo đuổi mục tiêu thịnh vượng chung trong thập kỷ tới.

Trong nghị quyết lịch sử thứ ba được công bố vào tháng 11/2021, đảng Cộng sản Trung Quốc coi thịnh vượng chung là mục tiêu trung tâm của đất nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, mục tiêu thịnh vượng chung là xây dựng một Trung Quốc bình đẳng hơn, bằng cách “tăng nhóm thu nhập trung bình, nâng thu nhập của nhóm thu nhập thấp, điều chỉnh hợp lý nhóm thu nhập cao và cấm các nguồn thu bất hợp pháp”.

Chiến dịch của ông Tập được cho sẽ ghìm cương những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, hạ nhiệt giá nhà, khuyến khích hoạt động từ thiện và theo đuổi năng lượng sạch. Bởi vậy, trong mắt nhiều người Trung Quốc, mục tiêu “thịnh vượng chung” sẽ mang lại tương lai tốt đẹp cho nước này trong thập kỷ tới.

Ren Yi, một nhà bình luận trực tuyến với hơn 2 triệu người theo dõi trên Weibo và WeChat ở Bắc Kinh, cho rằng thịnh vượng chung sẽ cho phép Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, khi công nghệ tự động hóa trỗi dậy.

“Kỷ nguyên tiếp theo là trí tuệ nhân tạo và tự động hóa thay thế con người làm việc, dẫn tới tình trạng thất nghiệp. Toàn cầu hóa cũng có nghĩa một số việc làm sẽ chuyển sang thị trường nước ngoài. Chúng ta sẽ cần chính phủ thực hiện vai trò phân phối của cải xã hội, để quá trình chuyển đổi này diễn ra một cách suôn sẻ”, ông nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản ở Bắc Kinh hồi tháng 7. Ảnh: Xinhua.

Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng 7. Ảnh: Xinhua.

Nhà bình luận này thêm rằng mô hình “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” sẽ cho phép nước này thích nghi với tương lai tốt hơn so với những nơi đang vật lộn với xã hội chia rẽ như Mỹ.

Trong bối cảnh các công ty công nghệ lớn trên thế giới ngày càng trở nên hùng mạnh, thậm chí lấn át quyền lực của chính phủ, mục tiêu thịnh vượng chung của ông Tập sẽ tái khẳng định quyền lực của chính quyền, theo Suji Yan, người sáng lập một công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc. Yan thêm rằng chiến dịch kiểm soát này của Trung Quốc sẽ trở thành xu hướng ở phương Tây trong 3-5 năm tới.

Lillian Li, một nhà kinh tế học và tư vấn chiến lược tại Thượng Hải, dự đoán trong 10 năm tới, “mối quan hệ cộng sinh hơn giữa các công ty công nghệ và chính phủ Trung Quốc” sẽ được khởi động nhờ động lực thịnh vượng chung.

Li cho rằng mọi người nên được hưởng một mức sống giống nhau. “Nó không quá khác biệt so với những gì phổ biến trong xã hội châu Âu”, bà nói.

Feng Chucheng, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu Plenum ở Bắc Kinh, tin rằng trong một thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ không giống các nền kinh tế phát triển hiện nay, như mối quan hệ giữa lĩnh vực công và tư sẽ cân bằng hơn thay vì sự thống trị của khu vực tư nhân như ở nhiều nước phương Tây.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng khu vực nhà nước có thể tạo ra một vùng đệm kinh tế theo cách mà các doanh nghiệp tư nhân không thể làm được, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng. Trong các tình huống như đại dịch Covid-19, Trung Quốc có thể huy động nguồn lực từ các tập đoàn nhà nước, trong khi các công ty tư nhân chỉ tập trung vào cắt giảm nhân lực và tìm cách bảo vệ lợi nhuận, theo Feng.

Nhà phân tích này thêm rằng mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn của Trung Quốc cũng sẽ cân bằng hơn khi ranh giới ngày càng lu mờ. Feng tin hồi sinh vùng nông thôn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc.

“Trung Quốc nhận ra rằng để tiếp tục tốc độ tăng trưởng hiện tại, họ phải tận dụng dân số vùng nông thôn, nhóm vốn không được xem là lực lượng tiêu dùng chính trước đây”, Feng nói.

Thế hệ trẻ Trung Quốc sẽ ngày càng tự tin hơn khi lớn lên trong giai đoạn Trung Quốc chạy đua trở thành nền kinh tế lớn nhất và Mỹ đang suy giảm vị thế, theo Feng.

“Sẽ có ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc quan tâm tới đất nước hơn, tìm hiểu và hồi sinh văn hóa Trung Quốc, thay vì tôn thờ Mỹ và các giá trị văn hóa phương Tây”, ông nhận định.

Hồi tháng 7, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập tuyên bố mục tiêu xây dựng “xã hội thịnh vượng vừa phải” đã hoàn thành, đồng thời khẳng định đã xóa nghèo cùng cực. Mục tiêu ông đặt ra vào năm 2049 là “xây dựng một đất xã hội chủ nghĩa hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn hóa tiến bộ và hài hòa”.

“Thịnh vượng chung là một giấc mơ từ xa xưa của người Trung Quốc”, Wang Yiwei, cựu nhân viên ngoại giao Trung Quốc và hiện là giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho hay.

Một công nhân ngoái nhìn các tòa nhà cao tầng trên đường phố ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi năm 2015. Ảnh: AFP.

Một công nhân ngoái nhìn các tòa nhà cao tầng trên đường phố ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi năm 2015. Ảnh: AFP.

Nhà ngoại giao này nói công bằng và hòa hợp xã hội là văn hóa truyền thống của người Trung Quốc. “Khổng Tử từng nói mọi người không sợ thiếu, mà chỉ sợ phân chia không đồng đều”, ông nói.

Wang thêm rằng mục tiêu thịnh vượng chung không phải là điều chỉ có ở Trung Quốc hay là sự thay thế cho các mô hình của phương Tây, mà nó là xu thế toàn cầu.

Thịnh vượng chung là động lực để trở nên “sạch, đẹp và xanh”, Wang nói. Trung Quốc hiện là thị trường của thế giới chứ không còn là công xưởng toàn cầu và tăng trưởng sẽ đến từ đổi mới, sáng tạo và công việc trí tuệ hơn là các dự án hút nhiều vốn.

Wang cho rằng tư duy của người Trung Quốc về định nghĩa “tiên tiến” cũng đã thay đổi, khi thước đo đúng đắn nhất là xem liệu điều gì đó có thực sự phù hợp với xã hội Trung Quốc hay không, trong đó có mô hình dân chủ.

“Chúng tôi không sao chép mô hình của Liên Xô hay Mỹ. Nếu chỉ biết sao chép, bạn sẽ không thể thành công”, Wang khẳng định.

Thanh Tâm (Theo Bloomberg)

Để lại một bình luận

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X