Covid-19 đã làm thay đổi toàn thế giới, mọi người, mọi nhà và mọi lãnh vực. Đến nay đã có gần 7.000 biến thể mới, nhưng may mắn thay, tuyệt đại đa số độc lực từ các biến thể này đều yếu dần đi, chỉ nổi trội một số hung hăng và lây nhiễm cực nhanh như biến chủng Ấn Độ, Anh, Brazil và Nam Phi (từ nay được gọi là nhóm Beta).
Đột biến (mutation) trong chuỗi trình tự gen ConoraVirus gồm khoảng 30.000 yếu tố gen có thể dẫn đến biến thể (variant) là sự thay đổi RNA và nếu ổn định cấu trúc y sinh thì trở thành biến chủng (strain). Biến chủng phổ cập và nguy hiểm nhất hiện nay là B.1617.2 (Delta) được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Biến chủng C là con của biến chủng B, nhưng không có sự ‘lai tạo’ giữa các biến chủng do bản chất của trình tự gen và đặc tính tự copy của nó sau khi “protein gai” cắm được vào tế bào vật chủ, vì nó dễ dàng liên kết với ACE2 là một protein thụ thể dựa trên đột biến T478K, D614G, P681R và nhất là T478K, trước khi được kích hoạt bởi các enzyme khác.
Nhiều người tưởng rằng chỉ đến khi Covid 19 bùng phát đợt đầu tiên ở Vũ Hán, giới khoa học mới dồn hết sức lực để tìm vaccine và thuốc chữa.
Thật ra, giới khoa học đã có sự chuẩn bị và nghiên cứu chuyên sâu về y sinh, dịch tễ học, miễn nhiễm học, sinh học phân tử và những nhánh khoa học mới từ trước. Trong số đó, có 4 nhà khoa học xuất sắc, được ví như 4 hiệp sĩ thiên thần.
Sự ám ảnh mRNA của bà Katalin Korikó
Bà là người đặt tên công ty MODERNA với 3 chữ cuối là RNA luôn ám ảnh bà. Và không có bà tiếp sức, chưa chắc Pfizer/BioNTech có thể đi nhanh và đi xa trong việc sản xuất Vaccine Covid 19 và những sản phẩm khác của tương lai.
RNA có tên đầy đủ là synthetic messenger Ribonucleic acid, nghĩa là RNA truyền tin tổng hợp, còn được gọi ngắn lại là RNA truyền tin, là một phân tử polyme cơ bản có nhiều vai trò sinh học trong mã hóa, dịch mã, điều hòa, và biểu hiện của gene. RNA và DNA là các acid nucleic, và cùng với lipid, protein và cacbohydrat, tạo thành bốn loại đại phân tử, cơ sở cho mọi dạng sự sống trên trái đất.
Vào năm 1985, khi còn là một cô sinh viên ở Hungary, ngồi nghe say đắm và mê mẩn về RNA, Korikó mơ được tài trợ nghiên cứu. Trong giấc ngủ của bà vẫn vang lên mấy chữ “tài trợ nghiên cứu, tài trợ nghiên cứu..”, rồi được đáp lại thật kinh hoàng là “Không! Không! Không!”.
Khi được qua Mỹ học sau đại học, bà vẫn say mê với chủ đề mRNA.
Con đường học thuật của bà không được suôn sẻ vì các sếp lớn cứ nghĩ là bà bị hâm, bị ngông, luôn nói chuyện viễn vông trên trời. Làm gì có protein gai bé tí, nhỏ hơn con vi trùng gần cả ngàn lần, lại chứa và truyền thông tin được mã hóa, lại có thể dạy tế bào sản sinh và ra lệnh! Và nếu có chăng nữa thì làm sao thuần dưỡng nổi một chip sinh học kỳ bí như thế! Mặc dù thế, ai cũng công nhận là Korikó rất – rất thông minh.
Cho đến một dịp tình cờ, trong khi đứng bên cạnh chiếc máy photocopy chờ đến phiên mình, bà nói chuyện với ông Drew Weissman, lúc bấy giờ là Tiến sĩ về miễn dịch học của đại học Boston, và nhận được sự đồng cảm, đồng thanh tương ứng và đồng khí tương cầu.
Cả hai hợp tác và cuối cũng họ đã tìm ra được gót chân Archilles của mRNA. Chồng bà kể lại, vào giây phút Eureka đó, bà mừng hơn cả khi con gái mình hai lần đoạt huy chương vàng thế vận hội, và tận hưởng thú vui đơn giản là ăn hết một hộp đậu phộng.
Duyên kỳ ngộ và sự hợp lực ăn ý
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, khoảng 1 triệu công nhân Thổ Nhĩ Kỳ được chuyển qua Đức làm việc. Họ được gọi là những khách thợ (Gastarbeiter) với cuộc sống được mô tả trong cuốn sách “Tận đáy” (Ganz unten), ngụ ý họ ở trong cảnh tận đáy của xã hội. Cha của Uğur Şahin là một khách thợ ở nhà máy lắp ráp xe hơi Ford gần thành phố Köln.
Nếu ông hàng xóm không nhận ra sự thông minh và đam mê khoa học của Uğur Şahin, bên cạnh sở thích đá bóng, thì giáo viên ở trường đã phê duyệt con đường học nghề cho cậu bé gốc Thổ.
So với Uğur Şahin, Özlem Türeci có điểm khởi đầu may mắn hơn. Bà vốn là một tiểu thư đài cát có cha là bác sĩ giải phẫu và mẹ là nhà sinh học. Bà theo học y khoa phân tử ở đại học Saarland và tình cờ gặp được đồng hương Şahin đã là bác sĩ chuyên ngành ung thư và miễn dịch học. Bà thấy ông hiền lành và chăm chỉ, thường xuyên mượn sách khoa học của nhà thờ và vẫn học thêm toán hàm thụ ở đại học Hagen.
Cả hai đều say mê khoa học, đến nỗi, ngay cả trong ngày kết hôn, họ cũng cùng nhau làm việc suốt ngày ở phòng thí nghiệm. Họ đến với nhau như duyên kỳ ngộ, cùng tiên phong khám phá mRNA, cùng nghiên cứu và giảng dạy miễn dịch học hiện đại. Cả hai cũng đều say mê lập nghiệp kinh doanh, năm 2001 họ thành lập công ty dược phẩm sinh học Ganymed để phát triển các loại thuốc điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch. Họ đã bán công ty này vào năm 2016, nhưng trước đó năm 2008 đã thành lập Công ty BioNTech, một công ty chủ yếu phát triển công nghệ và thuốc cho các liệu pháp miễn dịch ung thư, nhưng chưa có sản phẩm nào trong số đó được phê duyệt. Şahin đã từng nói: Khai thác (exploit) quan trọng hơn cả khám phá.
Rất ít người biết khi phối hợp cùng hãng dược phẩm Mỹ Pfizer, cặp vợ chồng hàn lâm này đã phát minh 20 lọai vaccine trong chương trình Lightspeed và họ chọn cái tốt nhất là BNT162 để đưa ra công chúng. Họ tin rằng mRNA và kháng thể đơn dòng có thể giúp tế bào tự sản xuất vaccine và thuốc. Con người là một nhà máy phức tạp và vi diệu!
Nền tảng của Şahin và Türeci về nghiên cứu mRNA cho phép họ phát triển vaccine ngừa Covid-19 mang tên Pfizer/BioNTech trong khoảng thời gian ngắn bất thường dưới một năm, trở thành loại vaccine đầu tiên chống lại Covid-19 được cung cấp cho nhiều quốc gia. Ông bà Şahin và Türeci hiện nằm trong danh sách 100 người giàu nhất nước Đức, với nhiều giải thưởng và huân chương cao quý, thế nhưng họ vẫn cư ngụ trong căn nhà bình thường xưa nay, không có xe hơi và thường đi xe đạp tới công ty làm việc với 1.400 nhân viên. Mục tiêu kế tiếp của cặp vợ chồng hàn lâm này là điều chế vaccine ngừa ung thư.
Quyết định khôn ngoan của họ là mua nhà máy duy nhất sản xuất lipid bọc mRNA cho công nghệ BioNTech, bán Ganymed Pharmaceuticals, rồi sau đó mời bà Koriko về hợp tác.
Hiệp sĩ của lòng đam mê phát minh để cứu người
Mặc dù đang có nhiều tranh luận tại Đức về vaccine đang nghiên cứu cũng như quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến sự nỗ lực đóng góp của GS. Winfried Stöcker trong việc nghiên cứu và tìm ra vaccine Covid-19 để cứu nhân loại thoát khỏ đại dịch. Winfried Stöcker đã từng đến Việt Nam vào năm 1995. Ông là một người lịch lãm, rất thông minh và là nhà khoa học lỗi lạc. Trong buổi thuyết trình ở Viện Hàn Lâm Khoa học lúc bấy giờ, ông từng nói một lời mà động viên được tất cả nhà khoa học ở buổi seminar ấy như sau: Ở những hội nghị khoa học thế giới, khi đi sâu vào chuyên ngành, nếu tôi hiểu được 70% là mừng lắm rồi. Chúng ta cần tự nghiên cứu bền bỉ.
Thật khó viết ngắn gọn về ông, vì sự bền bỉ phát minh của ông thật đáng ngưỡng mộ. Từ năm 1987, ông gầy dựng EUROIMMUN với 17 chi nhánh trên toàn thế giới, là phòng thí nghiệm với khoảng 3.000 nhà khoa học. Labor của ông ở Luebeck đang chuẩn bị nhận giấy phép cho vaccine Covid-19 với những ưu điểm nổi trội: Bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thay vì tủ cấp đông âm 70°C, công nghệ protein không lệ thuộc nguyên liệu lipid, chưa hề thấy có phản ứng phụ, giá cả rất phù hợp với các nước có thu nhập thấp vì chỉ cần chích 1 liều thay vì 2 liều, được cập nhật để chống các biến thể Alpha, Beta, Gamma, Delta….
Công thức của Winfried Stöcker đã được công bố, trước cả khi tổng thống Biden và WHO đề nghị các hãng dược phẩm tạm từ bỏ sở hữu trí tuệ phát minh vaccine Covid -19. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ vẫn cần sự trợ giúp của các chuyên gia thành thạo quy trình với hàng trăm công đoạn kiểm tra chất lượng. Ông đã noi gương nhà phát minh Jonas Salk, nhà khoa học đoạt giải Nobel khi tìm ra vaccine chống sốt bại liệt, là tự thử thuốc lên chính mình.
Điều bí mật của vaccine dựa trên RNA là chỉ có thể thử nghiệm in vitro (“trong ống nghiệm”, là phương pháp nghiên cứu đối với các vi sinh vật, tế bào, hoặc các phân tử sinh học trong điều kiện trái ngược với bối cảnh sinh học bình thường của chúng, được gọi là “thí nghiệm trong ống nghiệm) trong phòng thí nghiệm, không thể thử nghiệm in vivo (nhân giống vô tính ở ngoài phòng thí nghiệm, là những nghiên cứu trên động vật, bao gồm trên người và toàn bộ thực vật) thành công trên động vật và đó vẫn là 1 ẩn số (tương tự như con mèo có thể chết nếu ăn một thỏi chocolate). Chính vì thế, giáo sư Stöcker với dũng khí và lòng tự tin rất lớn, đã tự chích cho khi chích cho người khác. Ông là một trong những nhà khoa học được ngưỡng mộ nhất thế giới, là tỷ phú khi sở hữu phi trường Luebeck, siêu thị đẹp như một kỳ quan ở Goerlitz…mặc dù lúc 13 tuổi, cha mẹ ông hoàn toàn trắng tay khi chạy đến vùng Đông Nam nước Đức sinh sống. Sự vươn lên của ông trong cuộc sống thật mạnh mẽ và lòng yêu nhân loại của ông thật lớn lao!
Bài viết sơ lược này giới thiệu 4 khuôn mặt hiệp sĩ thiên thần sản xuất vaccine. Trong 242 nơi trên toàn cầu đang nỗ lực tìm ra loại vaccine tốt nhất, cho dù có thành công hay không, 4 nhà khoa học ấy vẫn là những người được nhân loại biết ơn, vì tài năng và lòng nhân ái của họ.
(* Chủ tịch HĐQT công ty VietEuro, đồng sáng lập VietEuroNet)