Những Yêu Cầu Cơ Bản Của Con Người

Thầy Phan Chánh Dưỡng.

Những Yêu Cầu Cơ Bản Của Con Người

          Người xưa thường nói, ăn, mặc, ở, và đi lại là bốn yêu cầu cơ bản nhất của con người, như bốn yếu tố “Tứ Đại” của trời đất (đất nước gió lửa) là bốn yếu tố tạo ra vũ trụ vạn vật, sinh linh, nói theo Ấn Độ giáo cổ xưa, điều này nói lên trình độ nhận thức về con người và môi trường thiên nhiên của con người trong khoảng năm tới mười ngàn năm trước đây và vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

          Nhận thức con người trong một thời gian dài là một sự tiệm tiến không ngưng nghỉ, nhưng trong một khoảng thời gian ngắn, hay ở một không gian cục bộ nào đó thì có thể đột biến (đốn ngộ), đây là một qui luật tự nhiên. Điều này chúng ta vẫn thấy được trong qui luận xã hội như: động lực vận hành trong xã hội hướng theo sức mạnh của số đông, nhưng chân lý khi mới sinh ra luôn ở số ít, và dễ bị lực lượng số đông tiêu diệt! Nhưng vì là chân lý nên nó lại sinh ra, nó sẻ có sức sống để sinh tồn mạnh hơn trước và nếu tiếp tục vòng sinh diệt nhiều lần nó vẫn sinh ra và càng ngày càng mạnh và càng ngày càng nhiều đến một lúc sẻ tới cái ngưỡng từ số ít thành số đông (>50%) ta có hiện tượng đột biến (lượng đổi, chất đổi), chân lý đó trở thành động lực chính vận hành cho một xã hội mới. Nhưng nếu qua nhiều lần sinh, diệt rồi nó dần dần teo lại và mất đi, nó không phát triển đến ngưỡng tạo sự đột biến, thì nó không thể trở thành lực lượng vận hành để tạo ra xã hội mới. Ta có thể cho đó là một lực bổ sung chỉnh sửa cho xã hội để xã hội cũ đó hoàn thiện hơn mà thôi.

          Điều này cho ta một kết luận rằng tất cả cái mới nào cũng từ cái cũ đang vận hành sinh ra, nếu cái cũ vẫn còn sức sống thì cái sinh ra đó chỉ là hiện tượng phản ứng những bất cập nào đó của cái đang vận hành, như người bệnh bị cảm, sốt hay bị dị ứng bởi một môi trường hay một món thức ăn nào đó. Khi gặp trường hợp này, nhận thức đầu tiên là xem lại hành vi, môi trường sống của chính mình. Sau đó mới nhờ đến ngoại viện, thầy thuốc điều trị. Nhưng nếu cơ thể suy yếu đến mực không nhận ra những nguyên nhân từ chính cuộc sống ta, hay không còn khả năng hấp thụ được thuốc điều trị thì phải chấp nhận bỏ đi cái xác cũ đó mà thôi. Qui luật sinh tồn hoại diệt là thế.

          Cuộc sống của xã hội con người từ khi hình thành một cộng đồng gắn bó nhau, luôn có hai yêu cầu mang tính thiêng liêng, đó là yêu cầu được sống tự do của cá nhân và yêu cầu được sự đùm bọc, bảo vệ của cộng đồng thì mới tồn tại được. Đó cũng là một qui luật tự nhiên của muôn loài.

         Tự do đầu tiên của cá nhân con người chính là làm cách nào có được “ăn, mặc, ở, và đi lại”. bốn yếu tố cơ bản nầy, ngay cái ăn để được được sinh tồn, ngay từ lọt lòng mẹ đã phải dựa vào mẹ cha rồi, và tiếp theo là anh em, họ hàng trong dòng tộc đùm bọc và cộng đồng cùng sống chung trong một môi trường bảo vệ, cho đến khi ta trưởng thành. Như vậy sự sinh tồn của ta không thể thoát ly cộng đồng nơi ta hiện hữu.

          Khi ta được gọi là trưởng thành, ta có thể tham gia vào lao động trong xã hội, từng bước tự lập, tự giải quyết được bốn yếu tố “ăn, mặc, ở, đi lại” nhờ vào cấu trúc của sự phân công xã hội, lúc đó ta mới có được một mức “tự do tương đối”. Mức độ tự do tương đối nầy do khả năng của bản thân và tính hợp lý của cấu trúc phân công xã hội tạo ra. Điều nầy cho ta một nhận thức vô cùng quan trọng rằng, khi ta có được một cuộc sống vô cùng hài lòng, độ tự do cá nhân rất cao đi nữa thì không chỉ là do khả năng riêng của ta tạo ra, mà còn có yếu tố xã hội đã tạo được một môi trường tốt nhất cho ta. Như vậy ta vẫn phải lệ thuộc vào xã hội. Tiền đề nầy đưa đến kết luận là lợi ích của mọi cá nhân không những không được xăm phạm đến lợi ích của cộng đồng xã hội, mà mọi cá nhân đều phải có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ cho lợi ích cộng đồng xã hội. Một xã hội lành mạnh phát triển văn minh bền vững không thể tồn tại một “tự do cá nhân tuyệt đối” đây là một chân lý trường tồn trong mọi hình thái xã hội chúng ta.

          Từ thế kỷ 21, với cuộc sống hiện tại của chúng ta, các bạn ắt nhận ra rằng chúng ta không chỉ cần bốn yếu tố cơ bản để có tự do như nêu trên, mà ta còn phải có thêm bốn yếu tố khác nữa đó là học hành, giải trí, thực hiện hoài bão, và lưu tích cho thế hệ sau. Bốn yếu tố nầy thật sự đã sinh ra ngay từ khi có xã hội loài người, nó ẩn hiện ở những giai tầng xã hội loài người khác nhau ở những mực độ khác nhau. Nhờ các yêu cầu nầy đã tạo ra động lực phát triển của xã hội loài người, đưa chúng ta đến trạng thái văn minh ngày hôm nay. Bốn yếu tố được nêu thêm nầy, chúng ta có thể mô tả nội dung đại nét như sau:

  • Học hành: yêu cầu được giáo dục để có một nhân cách phẩm chất, trách nhiệm của con người sống hài hoà trong cộng đồng xã hội, có kiến thức hiểu biết về môi trường thiên nhiên, có kỹ năng hợp tác với cộng đồng, xây dựng cho tự thân, gia đình và cộng đồng cuộc sống văn minh hạnh phúc.
  • Giải trí: Có được một cuộc sống tinh thần làm phong phú cho cuộc sống hiện tại phù hợp với sự yêu thích và khả năng của mình, góp phần gắn kết với cộng đồng với thiên nhiên (như thể thao, văn nghệ, nghệ thuật v.v…)
  • Hoài bão : Đây là tiền đề của sự sáng tạo, khám phá mới, có ích cho đời, hay tự xác định cho mình một sứ mệnh, một tín ngưỡng thiêng liêng v.v. . ..
  • Lưu tích hậu thế : Người có hoài bảo lớn đối với xã hội thì tạo sự nghiệp lớn có ích để lại cho xã hội, có được “công danh phú quý”, người bình thường sống lương thiện, có trách nhiệm đối với gia đình con cái và cộng đồng, được cộng đồng thương yêu, và thương nhớ. Người thường dân muốn có con cái nối dòng, để lại điều tốt lành nhớ nhung cho con cháu.

       
Thầy Phan Chánh Dưỡng và Mô hình Nhân Giáo Dưỡng | Humanity do thầy nghiên cứu kiến giải.
Ảnh: ngày 7/11/2022 – Nhan.Edu.Vn

Qua trình bày nêu ở trên, tám yếu tố cơ bản cho yêu cầu cuộc sống của chúng ta vẩn là rất quan trọng cho ý nghĩa của cuộc sống cho chúng ta hôm nay. Bốn yếu tố đầu là điều kiện cần để ta có được cuộc sống tương đối tự do trong hiện tại. Bốn yếu tố sau là điều kiện đủ để ta có thể sống trách nhiệm với bản thân, gia đình (ông bà, cha mẹ và con cháu), với cộng đồng dân tộc và rộng hơn là cộng đồng của loài người và môi trường thiên nhiên.

          Theo truyền thống văn hoá cũng như luật pháp nước ta hiện nay đều hàm chứa mục tiêu nội hàm tám yếu tố cơ bản trên. Tuy nhiên về mặt thực tiễn có lẻ chúng ta chưa thực thi đầy đủ để có được một xã hội phát triển văn minh hiện đại, đạt được mục đích yêu cầu toàn dân. Nhưng phải công tâm mà nói, từ bốn yếu tố đầu của con người để ta có được cuộc sống tự do tương đối,  đem so sánh với những nước phát triển đi trước nước ta hiện nay, vẫn còn có những mặt chưa đạt, nhất là thông qua trận đại dịch covid-19 hiện nay. Nhưng nếu so sánh với lịch sử quá khứ nước ta, thì đó là thời kỳ phát triển cao nhất lịch sử. Trong năm mươi năm qua nhân dân ta đã xây dựng và tích luỹ được cơ sở vật chất, tạo điều kiện vửng chắc cho cuộc sống về ăn, mặc ở đi lại là vô cùng to lớn so với kết quả của năm trăm năm trước đây. Ngay cả bốn yếu tố còn lại cũng đã hiện diện ở mọi người dân ở mọi giai tầng nhận thức khác nhau, với mức độ cao thấp khác nhau. Đây là một tiềm năng đang chuyển thành nội lực phát triển trong kinh tế xã hội ta hiện nay. Nhận thức nầy cho ta có được một niềm tin cho tương lai, mà đó cũng là một nhận thức khách quan đối với nước ta hiện nay.

 Ngay quyền bình đẳng giới tính trong xã hội, một quyền quan trong nhất trong nhân quyền, xã hội ta đã có một bước tiến rất dài đi trước so với thế giới. Nhớ lại trong thời đại kinh tế nông nghiệp là động lực quan trọng nhất thúc đẩy xã hội phát triển, thì vai trò người phụ nử thấp hơn nam giới không chỉ ở ngoài xã hội mà còn cả trong từng gia đình. Ngay cả gia đình tôn thờ chử Hiếu của Nho giáo cũng không thể tránh khỏi. Hôm nay là thời đại công nghiệp hoá toàn cầu, chúng ta thử nhìn từ các nước giàu có vùng Trung Đông hay khát vọng của người phụ nữ Afghanistan hiện nay, chỉ xin được lộ diện, (thoát khỏi hủ tục che mặt), được học hành và được làm việc trong xã hội là khó khăn dường nào. Trong khi đó ở nước ta những quyền đó là điều đương nhiên mà còn tiến xa hơn là quyền thừa kế tài sản của cha mẹ (con trai, con gái) đều được pháp luật bảo vệ rõ ràng. Từ đó cha mẹ đã từng bước bỏ đi tư tưởng trọng nam khinh nử khi sinh con. Tuy nhiên chúng ta còn vướng bận ý thức, từ yếu tố yêu cầu “lưu tích hậu thế” có con trai nói dõi tông đường. Phải chi luật pháp của ta tiến thêm một bước nữa là họ của con cái được sang sẻ giữa họ mẹ và họ cha (nếu một con thì thoả thuận giữa cha mẹ, nhưng hai con trở lên thì phải sang sẻ đứa họ mẹ đứa họ cha), khi con cái đến tuổi trưởng thành, con có thêm một quyền chọn lựa, chọn họ của mình giữa họ cha và mẹ hoặc giữ như quyết định của mẹ cha trước đây. Như vậy quyền bình đẳng giới được trọn vẹn hơn trước.

          Thật ra đối với những vĩ nhân bậc siêu việt (Thánh nhân), sự quan tâm đối với tám yếu tố trên chỉ vì cho xã hội. Riêng đối với chư vị vĩ nhân đó cá nhân họ đã không vướng bận đến. Nhưng nếu còn có nguyện vọng lo toan cho xã hội, cho người đời thì không thể không quan tâm đến tám yêu cầu cuộc sống của người dân được nêu ở trên.

Giáo dục phải thắp lên được lửa khát vọng – Làm người rồi mới sinh tồn

                                                         

Để lại một bình luận

Sống Hạnh Phúc Kiến Tạo

X